Đó là tình cảnh của Toyota hiện nay. Sau cơn địa chấn thu hồi với số lượng xe kỷ lục 8,5 triệu chiếc trên khắp thế giới, "đại gia" xe hơi Nhật Bản lại thêm một phen điêu đứng khi tuần qua phải đối mặt với án phạt lên đến 16,4 triệu USD từ nhà chức trách Mỹ.
Đây là hình phạt dân sự lớn nhất trong lịch sử mà cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (HNTSA) áp dụng với một hãng sản xuất ô tô khi chính thức phát hiện hãng xe hơi lớn nhất thế giới vi phạm những quy định an toàn sau vụ thu hồi xe do lỗi kẹt chân ga. Giải thích cho quyết định này, HNTSA cho rằng Toyota đã cố ý che giấu thông tin về sự cố kỹ thuật của những dòng xe được ưa chuộng tại Mỹ trong nhiều tháng và không làm gì để bảo vệ an toàn cho hàng triệu khách hàng một cách kịp thời.
Những dẫn chứng mà HNTSA đưa ra dường như rất thuyết phục. Theo các tài liệu trong các phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản đã ban hành các thông báo sửa chữa tới các đại lý ở 31 nước châu Âu và Canađa để giải quyết những khiếu nại liên quan đến "sự cố kẹt chân ga" khiến xe tăng tốc đột ngột từ ngày 29-9-2009. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Mỹ đã không nhận được bất kỳ thông báo tương tự nào cho tới 4 tháng sau đó khi các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin về hàng loạt vụ tử vong do sự cố xe tăng tốc ngoài kiểm soát và chiến dịch thu hồi quy mô lớn tại Mỹ chỉ được bắt đầu từ thời điểm này. Trong khi đó, luật pháp Mỹ quy định nhà sản xuất phải có nghĩa vụ thông báo tới các cơ quan quản lý an toàn trong thời hạn 5 ngày làm việc nếu phát hiện các lỗi kỹ thuật còn tồn tại. Do đó, việc Toyota biết khách hàng Mỹ đang trải qua những vấn đề tương tự song không có động thái cảnh báo nào trong suốt 4 tháng là không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý.
Như chưa nguôi cơn giận, NHTSA còn tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra việc thu hồi xe mắc lỗi kỹ thuật của "người khổng lồ" xe hơi xứ Hoa anh đào, trong đó có vụ thu hồi vào tháng 10-2009 do sự cố thảm trải sàn chèn vào chân ga khiến người lái không kiểm soát được tốc độ nhằm tìm kiếm những mức phạt bổ sung đối với Toyota. Nhiều ý kiến cho rằng khả năng hãng xe hơi lớn nhất thế giới tiếp tục "chịu trận" với những khung phạt cao nhất là có thể xảy ra do cơn lốc thu hồi đã ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng Mỹ, gây xói mòn niềm tin và điều đó đã tạo ra những áp lực chính trị rất lớn buộc nhà chức trách Mỹ phải tỏ ra nghiêm khắc với nhà sản xuất Nhật Bản.
Cho dù tuyên bố vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào từ cơ quan chức năng Mỹ về án phạt trên, song Toyota khẳng định đã nỗ lực hết sức để cải thiện những quan ngại về an toàn đối với cả nhà chức trách và khách hàng Mỹ cũng như những "lình xình" với NHTSA. Tuy nhiên, thái độ hối lỗi này xem ra vẫn chưa thể xoa dịu được cơn thịnh nộ của người tiêu dùng khi "ông lớn" xe hơi Nhật Bản phải đối mặt với ít nhất 177 đơn kiện nữa từ phía khách hàng và các cổ đông.
Hiện chưa rõ Toyota sẽ gỡ mối tơ vò này ra sao nhưng theo luật pháp Mỹ, hãng xe Nhật Bản có 2 tuần để đưa ra câu trả lời và trong trường hợp kháng án, vụ việc sẽ được đưa ra xét xử tại một tòa án Mỹ. Ngược lại, nếu chấp nhận án phạt nói trên thì, đây là mức án chưa từng có trong lĩnh vực sản xuất ô tô tại Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, trát cao nhất là mức 1 triệu USD mà hãng General Motors (GM) phải cay đắng rút hầu bao nộp phạt do không kịp thời giải quyết lỗi cần gạt nước hồi năm 2004.
Nhiều khả năng Toyota sẽ chọn giải pháp "ngoan ngoãn" nộp phạt vì thực tế, khoản tiền 16,4 triệu USD là quá nhỏ so với tiềm lực và vị thế của hãng xe hơi số 1 thế giới cũng như không thấm tháp vào đâu nếu so sánh với số tiền khổng lồ 5,5 tỷ USD mà "đại gia" này bị mất trắng sau thảm họa thu hồi xe vừa qua.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com