Trước đó, dưới áp lực của Bộ Tư pháp Mỹ, Ngân hàng UBS thừa nhận trách nhiệm hoàn toàn trong việc giúp các khách hàng Mỹ che giấu tài sản và đồng ý nộp phạt 780 triệu đô-la - mức phạt lớn nhất từ trước đến nay vì vi phạm luật thuế - đồng thời cho phép các điều tra viên của Mỹ tiếp cận tài khoản của khoảng 25-300 khách hàng bị nghi ngờ. Tuy vậy hành động này chưa làm phía Mỹ thỏa mãn. Thứ Tư tuần trước, Mỹ đòi tiếp cận khoảng 20.000 tài khoản, nhưng sang ngày thứ Năm, con số này tăng lên 52.000 tài khoản, với số tiền ký gửi vào khoảng 14,8 tỉ đô-la Mỹ. Các điều tra viên của Mỹ cáo buộc UBS đã câu kết với các khách hàng Mỹ để che giấu số tiền này từ năm 2002 đến 2007, làm cho Sở Thuế Mỹ thất thu mỗi năm khoảng 300 triệu đô-la tiền thuế.
Về phần mình, UBS cho rằng, ngoài con số 250-300 tài khoản đã cung cấp, ngân hàng sẽ giữ kín danh tính các khách hàng còn lại, dựa theo điều luật về bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ. Tổng thống Thụy Sĩ Hans-Rudolf Merz cũng tuyên bố rằng, nước ông sẽ không nhân nhượng trong việc bảo vệ truyền thống quý báu là tính bí mật của các tài khoản ngân hàng.
Tổng thống Merz, Ngân hàng UBS và cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ đều cho rằng việc chuyển giao thông tin về 250-300 tài khoản nói trên không vi phạm luật bảo vệ bí mật ngân hàng - được thực thi suốt 75 năm qua. Luật này quy định, tính chất bí mật của tài khoản ngân hàng chỉ bị hủy bỏ khi tòa án phán quyết rằng các chủ tài khoản đó cố tình lừa đảo cơ quan thuế vụ. Nhưng việc bàn giao thông tin cho phía Mỹ đã diễn ra mà không có phán quyết của tòa án Thụy Sĩ.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com