Sau 7 tháng bị giam cầm, phóng viên tờ New York Times David Rohde và một đồng nghiệp người Afghanistan đã thoát khỏi những kẻ bắt cóc. Ngày 21/6, họ đã lần đầu tiên lên tiếng về cuộc trốn chạy ly kỳ.
Những nỗ lực giải cứu bất thành
Buổi sáng ngày 10/11/2008, phóng viên David Rohde lên kế hoạch cùng Tahir Ludin, phóng viên bản xứ làm việc cho văn phòng New York Times ở Kabul, thực hiện một cuộc phỏng vấn thủ lĩnh Abu Tayeb của Taliban. Rohde là phóng viên nổi tiếng ở Mỹ từng nhận giải Pulitzer hồi năm 1996 khi còn làm cho tờ Christian Science Monitor, và sau này ông cùng các đồng nghiệp ở Times nhận thêm một giải Pulitzer nữa vào năm 2008. Về phần Ludin, anh từng hộ tống an toàn hai phóng viên nước ngoài tới phỏng vấn Abu Tayeb nên hoàn toàn không nghi ngờ. Tuy nhiên, khi chiếc xe chở hai phóng viên tới gần điểm hẹn thì bị các tay súng lạ mặt chặn lại. Ludin sau này đánh giá Tayeb là kẻ phản bội lòng tin của anh vì đã bí mật dàn dựng vụ bắt cóc.
Đoạn băng ghi hình Rohde của Taliban
Trong nhiều tháng tờ Times đã làm việc với các quan chức Mỹ, các nhà thầu an ninh và cả nhân viên của họ để tìm cách giải thoát cho Rohde. May mắn là văn phòng tờ Times ở Kabul đã liên lạc được với những kẻ bắt giữ Rohde chỉ vài ngày sau sự cố. Họ xác định chúng là thành viên mạng lưới khủng bố Haqqani, một chi nhánh của Taliban.
Thông qua các cuộc trao đổi, những kẻ bắt cóc đưa yêu sách để trả tự do cho 2 phóng viên và người lái xe. Song các yêu sách này hoặc thay đổi liên tục, hoặc rất khó đáp ứng. Đầu tiên, bọn bắt cóc yêu cầu không thông báo rộng về vụ việc. Sau đó chính chúng lại tung ra cho báo giới ít nhất hai đoạn băng ghi hình Rohde. Chúng còn yêu cầu thả 5 - 15 chiến binh Taliban ra khỏi các nhà tù Mỹ và Afghanistan, một việc nằm ngoài khả năng của tờ Times, và đòi khoản tiền chuộc lên tới 25 triệu USD.
Ngay trong nội bộ tờ Times cũng xảy ra mâu thuẫn quanh cách giải cứu Rohde. Một số phóng viên đề nghị đưa tin lên mặt báo. Họ còn làm sẵn một đoạn video dự định gửi cho phía Taliban với nội dung được đánh giá là "rất xúc động", xin trả tự do cho Rohde. Tuy nhiên các nhà thầu an ninh và giới quan chức Mỹ thì đề nghị im lặng. Cuối cùng Tổng biên tập tờ Times, Bill Keller đã chọn phương án im lặng. Tờ báo cũng đề nghị các cơ quan báo chí khác không đưa tin để đảm bảo an toàn cho Rohde.
Tự mình cứu mình
Trong lúc bên ngoài đang tìm hướng giải cứu thì Rohde, Ludin và người tài xế bị những kẻ bắt cóc đưa đi giấu ở nhiều nơi. Ludin kể rằng các anh thường xuyên bị những kẻ bắt cóc đe dọa giết chết. 2-3 tháng sau khi bị bắt giữ là thời gian cả hai cảm thấy hết sức tuyệt vọng. Tuy nhiên họ vẫn bí mật lên kế hoạch chạy trốn, bắt đầu từ việc thăm dò địa hình. Một lần Ludin giả ốm để có cớ gặp một bác sĩ sống ngoài khu vực giam giữ. Lần khác, anh xin những kẻ bắt cóc mình cho xem các trận đấu cricket. Những lần được ra ngoài này giúp Ludin quan sát và ghi nhớ tuyến đường sau này có thể chạy trốn.
Phóng viên David Rohde (trái) tác nghiệp tại Afghanistan
Tối ngày 19/6, một kế hoạch đào tẩu táo bạo được tiến hành. Ludin dụ toán lính canh chơi cờ và cố tình rề rà tận khuya để chúng buồn ngủ và ngủ sâu. Khi ván cờ cuối cùng kết thúc, các phóng viên cố giữ bình tĩnh để chờ các tay súng chìm vào giấc ngủ. Lúc 1 giờ sáng ngày 20/6, Rohde đánh thức Ludin, ra hiệu cho anh chạy trốn. Ludin đọc vội vài đoạn kinh Koran rồi rón rén bước theo Rohde. Cả hai trốn khỏi ngôi nhà giam và chạy ra bức tường bao quanh ở gần đó. Sử dụng đoạn thừng mà Rohde tìm thấy được và giấu kín cách đó 2 tuần, cả hai tụt xuống khỏi bức tường cao tới 6m. Trong lúc nhảy xuống, do dây thừng ngắn nên Ludin bị ngã. Dù sao cả hai vẫn gặp may vì tiếng ồn của những chiếc máy điều hòa cũ kỹ đã giúp xóa đi tiếng động không nhỏ khi họ nhảy xuống đất. Chó sủa ầm ĩ, thậm chí còn chạy theo. Thật ngạc nhiên là không có tên Taliban nào truy đuổi họ.
Sau 15 phút chạy thục mạng, Ludin dẫn Rohde tới một trạm kiểm soát của quân đội Pakistan mà anh đã phát hiện trong một lần được ra ngoài. Trong bóng tối, khoảng một chục người lính gác nghi họ là hai kẻ đánh bom tự sát của Taliban và dọa bắn. Ludin kể rằng anh phải mất thêm 15 phút nữa dùng đủ mọi cách thuyết phục trước khi được phép tới gần. Sau khi các quan chức Pakistan xác định danh tính, cả hai được chuyển tới Islamabad rồi đến căn cứ quân sự Mỹ ở bên ngoài Kabul.
Nụ cười hạnh phúc khi đã được tự do
Ludin mô tả âm mưu trốn thoát của cả hai giống như một trò đùa với cái chết bởi nếu bị phát hiện, họ chắc chắn sẽ bị sát hại. Tuy nhiên đổi lại cho hành động táo bạo này là sự tự do quý giá sau 7 tháng sống căng thẳng trong sự giam cầm của Taliban.