Trung Quốc hôm 4-2 kiện Liên minh châu Âu (EU) lên Hội đồng trọng tài WTO về việc EU áp đặt mức thuế bất hợp pháp lên các sản phẩm giày mũ da do Trung Quốc sản xuất.
Tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và EU lần này liên quan đến việc hồi tháng 12-2009, EU quyết định kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp đặt mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày mũ da sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam để bảo hộ thị trường giày da châu Âu.
Trung Quốc và Việt Nam đã phản đối mức thuế chống bán phá giá nói trên, cho rằng chính sách bảo hộ mậu dịch của EU sẽ làm tổn hại nền mậu dịch tự do.
Các nhà nhập khẩu và bán lẻ EU cũng kêu gọi chấm dứt việc áp đặt thuế chống bán phá giá, cho rằng mức thuế trên khiến người tiêu dùng EU mỗi năm phải trả thêm hàng triệu USD.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Yao Jian nói việc EU kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Trung Quốc vi phạm các qui định hiện hành của WTO, xâm hại quyền và lợi ích cơ bản của các công ty Trung Quốc.
Theo thông lệ, sau khi nhận được đơn kiện chính thức của Bắc Kinh, EU có 60 ngày để thương lượng, tham vấn phía Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc có thể đề nghị WTO lập một ủy ban điều tra về vụ tranh chấp thương mại này.
Nếu ủy ban điều tra xác định sự phản đối của Trung Quốc đối với EU là đúng, WTO có thể cho phép Trung Quốc lựa chọn một số mặt hàng của EU để áp thuế với mức cao hơn hoặc Bắc Kinh có thể chọn những biện pháp trả đũa khác đối với EU.
Từ tháng 10-2006, EU bắt đầu áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Trung Quốc và Việt Nam vì cho rằng các sản phẩm này được bán với giá thấp hơn giá thành và gây hại cho những nhà sản xuất giày da châu Âu. Theo đó, EU cộng thêm vào giá từ 9,7% đến 16,5% đối với giày da nhập khẩu từ Trung Quốc và từ 10% đối với giày da nhập từ Việt Nam.
Cả Trung Quốc và Việt Nam đều cho rằng mức thuế chống bán phá giá của EU đối với các sản phẩm giày da của hai nước này là không có cơ sở và là quyết định không nhân đạo.
Liên minh giày da châu Âu với sự tham gia của các công ty lớn như Timberland, Ecco, Hush Puppies, Adidas cũng cho rằng mức thuế nói trên đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp EU.
Liên minh này cho rằng mức thuế nói trên tuy giúp EU thu thêm được 1,4 tỷ USD nhưng không giúp được các công ty giày da EU tạo việc làm mà chỉ đơn giản là thay vì nhập khẩu giày da từ Trung Quốc và Việt Nam trước đây thì nay họ chuyển sang nhập giày da từ các nước đang phát triển khác.
(Báo Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com