Theo Nghị định mới được Chính phủ ban hành ngày 5/5/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bị phạt tiền cao hơn nhiều so với trước.
Theo Nghị định số 41/2009/NĐ-CP thay thế Nghị định 118/2003/NĐ-CP, từ ngày 22/6, các mức phạt trước được áp dụng theo khung, sẽ áp dụng theo một mức phạt cụ thể. Trước đây, hành vi không nộp tiền ký quỹ chỉ bị phạt cảnh cáo, nay sẽ bị phạt 10 triệu đồng (đây là mức phạt tiền thấp nhất theo quy định mới).
Tương tự, thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm trước chỉ bị phạt từ 10 - 20 triệu thì nay bị phạt 50 triệu đồng trong khi hành vi tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc... bị phạt tới mức 70 triệu đồng (trước kia phạt 10 - 20 triệu đồng).
Đối với vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép đặt Văn phòng đại diện; về quản trị, điều hành, kiểm soát trước chỉ phạt từ mức 1 - 10 triệu đồng, nay tăng lên từ 30 - 70 triệu đồng.
Trước đây, việc yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm; thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật bị phạt từ 2 - 10 triệu, nay bị phạt từ 60 - 70 triệu.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không còn hình thức phạt cảnh cáo như trước đây. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả.
Cũng theo Nghị định mới này, Chính phủ quy định thêm một số hành vi vi phạm khác bị xử phạt như sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo các tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép, hồ sơ xin mở Văn phòng đại diện (mức phạt 30 triệu đồng).
Nghị định mới cũng ban hành mức phạt đối với các loại hình mới trong kinh doanh bảo hiểm như chuyên gia tính toán (Appointed Actuary). Cụ thể, doanh nghiệp không bổ nhiệm, không tuân thủ thủ tục thay đổi chuyên gia tính toán theo quy định hay chuyên gia tính toán của doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc lập dự phòng nghiệp vụ cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; lập báo cáo định kỳ; đánh giá chương trình tái bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm và các nhiệm vụ khác để đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm... bị phạt tới 70 triệu đồng, là mức phạt tiền cao nhất theo quy định tại Nghị định vừa ban hành./.
(Theo TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com