Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bát nháo thị trường gas: Doanh nghiệp thiệt tiền tỉ, người dùng ôm bom nổ chậm

Gần 2.000 vỏ bình gas của nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas bị hoán cải thành thương hiệu khác vừa được cơ quan chức năng phát hiện.

Những bình gas này được đốt và hoán cải thành một số thương hiệu khác, sau đó tiếp tục được phân phối đến tay người tiêu dùng mà không hề được kiểm định về chất lượng. Ảnh: Trung Thành

Hôm qua (22.3), bà Lê Thị Anh Mẫn, chủ tịch chi hội gas phía Nam cho biết, số vỏ bình này bị phát hiện tại nhà máy sản xuất vỏ bình gas Đông Phương (khu công nghiệp Nhị Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM), thuộc công ty sản xuất thương mại dịch vụ Đông Phương. Trong số 1.889 vỏ bình, đa số đã bị tháo van đầu bình và đốt cháy. Một số khác đã bị thay tay xách, chân đế và chỏm… Vào năm 2009, Đông Phương cũng bị phát hiện hành vi tương tự, nhưng cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý. Điều này cho thấy, việc hoán cải vỏ bình gas của Đông Phương được thực hiện liên tục trong hai năm qua. Hiện, nhà máy này có thể sản xuất khoảng 1.000 vỏ bình gas/ngày.

Doanh nghiệp thiệt hại tiền tỉ

Theo ông Lê Phúc Đại, tổng giám đốc công ty cổ phần năng lượng Đại Việt (Vinagas), hiện doanh nghiệp này có khoảng 900.000 vỏ bình gas (loại 12kg) đang lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, lượng vỏ bình này vẫn không đủ để quay vòng, trong khi đó trước đây hai năm chỉ cần 600.000 vỏ bình. Ông Đại cho biết thêm, trước đây, mỗi năm Vinagas có thể quay vòng bảy lần, thì năm vừa rồi chỉ còn năm lần, thậm chí ba lần. Thực tế này cho thấy, lượng vỏ tăng đều nhưng sản lượng thì đứng im, thậm chí còn giảm. Với chi phí đầu tư khoảng 600.000 đồng cho mỗi vỏ bình gas, trong khi tiền thế chân chỉ khoảng 40%, tính ra thiệt hại của doanh nghiệp trong việc thất thoát vỏ bình gas lên tới con số chục tỉ đồng mỗi năm.

Ông Đại cho rằng, số vỏ bình bị thất thoát hàng năm của các doanh nghiệp gas vào khoảng 30%, trong đó một phần nằm ở việc bị hoán cải, bị chiếm dụng nhằm chiết nạp lậu… Tương tự, đại diện công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết, lượng vỏ bình của doanh nghiệp này trên thị trường vào khoảng 1,3 triệu, trong đó không ít vỏ Saigon Petro phải chịu chi phí bảo dưỡng, bảo hiểm… mặc dù người khác kinh doanh.

Ông Đại cho biết thêm, thực trạng hao hụt vỏ bình gas khiến các doanh nghiệp đau đầu đã lâu, song không có cách nào để đối phó. Mới đây, nghị định 107 quy định các đại lý kinh doanh gas khi ngưng hoạt động thì phải trả lại vỏ bình cho đơn vị chủ sở hữu, tuy nhiên việc này chỉ được thực hiện trên hợp đồng. Ngay cả người tiêu dùng cũng không biết hoặc chưa có thói quen trả lại vỏ bình khi đổi đại lý, đổi thương hiệu. “Đây là một thói quen khó mà xoá bỏ ngay, bởi nó đã tồn tại hàng chục năm qua khi việc kinh doanh gas còn quá nhiều lỏng lẻo. Đây lại là một khe hở để những doanh nghiệp kinh doanh gas nhỏ lẻ tận dụng, thâu gom vỏ bình của các thương hiệu khác nhằm chiếm dụng”, ông Đại nhận định.

Người tiêu dùng thiệt

Theo ông Chu Văn Đức, giám đốc Thủ Đức gas, việc hoán cải vỏ bình gas là hành vi cực kỳ nguy hiểm và không an toàn cho người sử dụng. Thực tế tại nhà máy Đông Phương cho thấy, hầu hết vỏ bình gas được đơn vị này hoán cải bằng cách đốt và sơn lại. Những vỏ bình này bị cắt tay xách, chân đế, van… để chế tạo lại theo kiểu dáng khác với thương hiệu khác. Điều này được ông Đức ví von rằng, chẳng khác nào đưa quả bom nổ chậm vào nhà dân. “Vỏ bình gas đạt tiêu chuẩn phải được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng như áp suất, trọng lượng... và có cả mã số để quản lý. Tuy nhiên, với những vỏ bình được hoán cải này thì chất lượng gần như bằng không. Sau một thời gian sử dụng không thể biết điều gì sẽ xảy ra?”, ông Đức nói.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas liên doanh với nước ngoài cho rằng, nếu cơ quan chức năng không mạnh tay với những hành vi tương tự, các doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ không chịu đầu tư mà tiếp tục đi “mượn” vốn của những doanh nghiệp khác. “Doanh nghiệp của chúng tôi liên doanh với nước ngoài và chỉ hoạt động được vài tháng. Tuy nhiên, đối tác nước ngoài doạ sẽ rút vốn nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra”, vị này nói.

Bà Mẫn cũng cho rằng, chi hội gas phía Nam đã phát hiện cả ngàn bình gas giả, thiếu trọng lượng. Dự báo, tình trạng gas giả, gas thiếu chất lượng vẫn tiếp tục hoành hành khi mà giá gas thế giới tiếp tục tăng cao.

(Theo Ca Hảo/sgtt)

  • Doanh nghiệp in lại kiến nghị bán tiếp hóa đơn
  • Kê khai giá thuốc bất hợp lý, doanh nghiệp sẽ bị phạt
  • Nhộn nhịp buôn lậu trên các phương tiện giao thông “quốc doanh”
  • Nhà máy dứa "trùm mền" 4 năm nay
  • Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh
  • Mua xăng dầu nhiều phải có giấy xác nhận
  • Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hơn 17.000 tỷ đồng
  • Hải quan tuyên bố: Hồi âm sau 30 phút tiếp nhận tờ khai
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%