Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các “đại gia” đều bán hàng lậu!

Sau loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” đăng trên báo SGGP, số ra các ngày 3, 4 và 5-8-2009, dư luận phản ứng rầm rộ về tình trạng hàng loạt cửa hàng, trung tâm điện máy, nhà hàng bán hàng không xuất hóa đơn, trốn thuế… Ngày 21-8, Đội kiểm tra liên ngành (cơ quan thuế và quản lý thị trường TPHCM) kiểm tra một số đơn vị. Mặc dù đã bị báo chí “rút dây động rừng”, nhưng kết quả kiểm tra: hầu hết các “đại gia” đều… bán hàng lậu!

Khách hàng đông như thế này, lại không xuất hóa đơn, tiền thuế vào tay ai? (chụp tại cửa hàng Phong Vũ). Ảnh: THI HỒNG

“Đại gia” nào bán hàng lậu?

Như đã phản ánh về hoạt động kiểm tra trong các bài trước, đợt kiểm tra này gần như là kiểm đếm lại hàng hóa cho doanh nghiệp (DN), nhưng việc kiểm đếm đó đến hơn 1 tháng trời mà cả 2 cơ quan thuế và quản lý thị trường mới cho ra kết quả. Các đội chỉ kiểm tra ở 7 công ty thì 5 công ty có cửa hàng kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

5 công ty bán hàng lậu này hầu hết là các “đại gia” có tên tuổi của thành phố: Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim; Trung tâm Điện máy Thiên Hòa; Công ty TNHH Đệ Nhất Phan Khang; Công ty TNHH Hoàn Long và Công ty TNHH điện lạnh Mạnh Hùng. Các hàng hóa nhập lậu bị tịch thu chủ yếu là điện thoại di động, ổ đĩa cứng, thẻ nhớ, pin máy quay camera, các vật dụng điện…

Công ty nào cũng có nhiều chi nhánh, có cả chi nhánh ở các tỉnh nên việc các cơ quan chức năng kiểm tra lại một số cửa hàng, chi nhánh chỉ là việc làm manh mún. Thế nhưng, chỉ qua một ngày kiểm tra, ngoài việc phát hiện cửa hàng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, cơ quan chức năng phát hiện những vi phạm “lạ” như: cửa hàng Phong Vũ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - Một cửa hàng có thương hiệu nằm giữa trung tâm thành phố lại… quên đăng ký kinh doanh (?!).

Thu tiền và xuất phiếu giao hàng tại Trung tâm bán máy tính Công ty Phong Vũ. Ảnh: MẠNH HÙNG

Cũng “lọt sổ” như thế, Trung tâm Điện máy Thiên Hòa vi phạm không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh! Như chúng tôi phản ánh trong bài viết “Kiểm tra xử lý: bất cập hay tiêu cực” về thực tế đợt kiểm tra này (đăng ngày 11-9-2009), rằng trung tâm kinh doanh tại trụ sở đăng ký nhưng “máy chủ” quản lý toàn bộ hồ sơ sổ sách kế toán lại nằm ở một chi nhánh khác, cách xa cả chục kilômét.

Cơ quan chức năng đến điểm kinh doanh chỉ đếm hàng hóa tại cửa hàng, còn muốn biết sổ sách kế toán thế nào, “đầu vào”- “đầu ra” sản phẩm đều phải chờ công ty điện về trụ sở chính cung cấp. Vì thế, đoàn kiểm tra cũng chỉ nhận được những báo cáo với những con số tròn trĩnh y như các báo cáo thuế!

Xử lý vi phạm: Đá ném ao bèo?

Dù đợt kiểm tra ngay thời điểm báo chí lên tiếng, các công ty có thời gian chuẩn bị, vậy mà cơ quan chức năng vẫn “bắt tận tay, day tận trán” hàng lậu trong cửa hàng. Đã vậy, nhìn vào mức xử phạt mới thấy được sự “lạc hậu” của các quy định pháp luật. Tất cả các hành vi vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu, không đăng ký kinh doanh, không đăng ký chi nhánh, bán hàng nhập khẩu không có nhãn phụ của cả đợt kiểm tra đối với tất cả các cửa hàng thì tổng số tiền phạt chỉ… 42,4 triệu đồng. Trong khi, đến hơn 100 cán bộ tham gia đợt ra quân kiểm tra và sau hơn 1 tháng mới cho ra được kết quả!

Ai cũng hiểu, nguồn cơn của sự tràn lan hàng lậu là do bán hàng không xuất hóa đơn, tức đầu ra không rõ ràng nên các công ty thu đầu vào là hàng lậu, hàng không hóa đơn chứng từ, để ngoài sổ sách, không cần báo cáo thuế… Thế nhưng, sau khi Báo SGGP lên tiếng, “chỉ điểm” những trung tâm, siêu thị lớn vi phạm thì cơ quan thuế đến lập biên bản, xử phạt vài triệu đồng rồi lại… thôi. Đến nay, vi phạm vẫn diễn ra, nhưng các cơ quan thuế vẫn không xử lý.

Dù sau khi Báo SGGP phản ánh, Cục Thuế TPHCM đã liên tục gởi 2 công văn chỉ đạo các chi cục thuế và đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn, bán giá không thuế VAT, xử lý các hành vi gian lận, trốn thuế… Nhưng từ tháng 8 đến nay, chỉ vài đơn vị thực hiện và số DN vị xử lý cũng rất ít.

Cụ thể, Chi cục Thuế quận 1 xử 51 vụ, phạt 519 triệu đồng, truy thu thuế 130 triệu đồng; quận 2 xử phạt 31 đơn vị, phạt 139 triệu đồng; quận 3 xử 20 vụ, phạt 58 triệu đồng, truy thu thuế 110 triệu đồng; quận 5, xử 25 vụ, phạt 681 triệu đồng, truy thu thuế 3,1 tỷ đồng; quận 6 xử 15 vụ, phạt 119 triệu đồng, truy thu thuế 141 triệu đồng; quận 7 xử 7 vụ, phạt 27 triệu đồng; quận 8 xử 6 vụ, phạt 21 triệu đồng; quận 10 xử 10 vụ, phạt 36 triệu đồng; quận Bình Thạnh xử 3 vụ, phạt 142 triệu đồng, truy thu thuế 138 triệu đồng; Gò Vấp xử 9 vụ, phạt 156 triệu đồng, truy thu thuế 317 triệu đồng; Phú Nhuận xử 37 vụ, phạt 190 triệu đồng, truy thu thuế 103 triệu đồng; Tân Bình xử 24 vụ, phạt 273 triệu đồng, truy thu thuế 188 triệu đồng.

Trung tâm mua sắm Đệ Nhất Phan Khang chỉ xuất phiếu giao hàng cho khách hàng. Ảnh: THI HỒNG

Đợt kiểm tra này chỉ mới tập trung vào việc sử dụng hóa đơn và hầu hết các vi phạm là bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng hóa đơn tự in không đăng ký, cuối ngày không lập bản kê tổng hợp, khai thiếu thuế… Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tại sao trên địa bàn TP có cả trăm ngàn DN, hộ kinh doanh và việc bán hàng không xuất hóa đơn đầy rẫy như thế, mà cơ quan chức năng chỉ kiểm tra… chiếu lệ vài đơn vị?

Với quy định bán hàng 100.000 đồng trở lên phải xuất hóa đơn thì hầu hết các cửa hàng, quầy tạp hóa đều vi phạm… Vậy mà đến giờ không ít các chi cục thuế vẫn không xử lý được trường hợp nào. Chẳng lẽ trên địa bàn các quận 4, 9, 11, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức không có đơn vị vi phạm, hay các chi cục thuế không làm hết trách nhiệm?

(Theo SGGP Online)

  • Ai là chủ sở hữu nhà 22D-24 Phan Đăng Lưu?
  • Cháy lớn tại công ty sản xuất thiết bị điện
  • Chuyên gia nước ngoài được miễn thuế thu nhập
  • “Đặc sản” từ đâu ra?
  • “Lượm” 10 tấn xương động vật từ bãi rác đem bán
  • Cấp chung giấy chứng nhận nhà đất từ ngày 10-12
  • Phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu
  • Phóng viên ném giày vào ông Bush mãn hạn tù
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%