Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần sửa đổi nhưng phải tôn trọng sự minh bạch

tinkinhte.com
(minh họa: Khều)

Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung (NĐ sửa đổi) một số điều của Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 8-12-2005 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” (NĐ 149). Căn cứ tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính và nội dung của dự thảo NĐ sửa đổi, có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung NĐ 149 là tất yếu khách quan, song việc sửa đổi, bổ sung cần tôn trọng sự minh bạch - nguyên tắc tối quan trọng trong quản lý kinh tế.

Sửa đổi, bổ sung là cần thiết

Cùng với những văn bản dưới luật khác, NĐ 149 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006) đã đi vào cuộc sống và góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, nền kinh tế đã có những thay đổi cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được bổ sung khá nhiều. Vì vậy, nhiều nội dung của NĐ 149 đã không còn phù hợp nữa. Có thể nêu một số nội dung cơ bản như sau:

Một là, một số nội dung của NĐ 149 đã trở nên lạc hậu do những luật mới ban hành và có hiệu lực, đồng thời những luật có liên quan đến NĐ 149 đã hết hiệu lực.

Chẳng hạn, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, Luật Quản lý thuế 2006; Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực thi hành đồng thời Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước hết hiệu lực...

Hai là, một số quy định về miễn thuế, hoàn thuế, truy thu thuế đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã không còn phù hợp do ngay khi ban hành đã chưa sát với quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; quy định thiếu rõ ràng gây phức tạp cho công tác quản lý và đối tượng thực hiện...

Ba là, nhiều nội dung trong danh mục các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư thông qua chính sách miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã không còn phù hợp do nhiều thiết bị, máy móc đến nay ở trong nước đã sản xuất được và một số lĩnh vực như đầu tư cho du lịch sinh thái, sân golf... đến nay chẳng những không cần khuyến khích mà ngược lại, đang cần hạn chế đầu tư. Do đó, nếu giữ nguyên như NĐ 149 sẽ là “khuyến khích ngược”.

Bốn là, một số nội dung về giá tính thuế, tỷ giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, thời hạn nộp thuế nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng... quy định trong NĐ 149 còn chưa cụ thể, chưa sát thực tế. Do đó, cần được quy định chi tiết hơn.

Cần tôn trọng sự minh bạch

Những phân tích ở trên cho thấy, sửa đổi, bổ sung NĐ149 là cần thiết. Vấn đề là phải thực hiện như thế nào để tôn trọng sự minh bạch - yêu cầu quan trọng nhất đối với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và công tác quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần nghiên cứu, trao đổi kỹ hơn những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và thực thi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Theo dự thảo NĐ sửa đổi, trách nhiệm của đơn vị xuất khẩu, nhập khẩu và là người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, trách nhiệm của Bộ Tài chính, hải quan và các cơ quan có liên quan lại rất mờ nhạt.

Chẳng hạn, về hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu, khoản 1, điều 17, NĐ 149 quy định: “1. Hàng hóa nhập khẩu là hàng chuyên dùng trực tiếp phục vụ cho quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học (trừ trường hợp quy định tại khoản 14 điều 16 của nghị định này) được xét miễn thuế nhập khẩu theo danh mục hàng hóa nhập khẩu do Bộ Tài chính thống nhất với các bộ, ngành liên quan quy định”.

Trong khi đó, dự thảo NĐ sửa đổi lại quy định: “1. Hàng hóa nhập khẩu là hàng chuyên dùng trực tiếp phục vụ cho quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học (trừ trường hợp quy định tại khoản 14 điều 16 của nghị định này) được xét miễn thuế nhập khẩu theo danh mục hàng hóa nhập khẩu do các bộ, ngành liên quan đăng ký với Bộ Tài chính”.

Câu hỏi đặt ra là, nếu có gian lận trong danh mục hàng hóa nhập khẩu “do các bộ, ngành liên quan đăng ký...” thì Bộ Tài chính - cơ quan quản lý nhà nước về thuế nói chung, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nói riêng - sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Tương tự, về các trường hợp phải truy thu thuế nhập khẩu, NĐ 149 quy định: “Trường hợp đối tượng nộp thuế hoặc cơ quan hải quan có sự nhầm lẫn trong kê khai, tính thuế, nộp thuế thì phải truy nộp số tiền thuế còn thiếu...”.

Trong khi dự thảo NĐ sửa đổi lại quy định: “Trường hợp khai thiếu nghĩa vụ thuế do có sự nhầm lẫn trong kê khai, tính thuế, nộp thuế vào ngân sách nhà nước hoặc phát hiện có sự gian lận, trốn thuế thì phải truy thu tiền thuế...”. Với quy định sửa đổi như vậy, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan đã không được tính đến. Sẽ có những tiêu cực gì xảy ra với quy định “một chiều” đó?

Một trong những trường hợp được xét miễn thuế nhập khẩu quy định tại NĐ 149 là: “Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ được Bộ Khoa học - Công nghệ xác nhận”. Vậy, thế nào là “trong dây chuyền công nghệ”?

Đó là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa có một quy định cụ thể nào và trong thực tế đã xảy ra những trường hợp lách luật để được miễn thuế nhập khẩu với ô tô chở khách và các cơ quan quản lý nhà nước phải tốn không ít thời gian để giải quyết. Vì vậy, thiết nghĩ, rất cần làm rõ khái niệm này chứ không nên “khoán trắng” cho Bộ Khoa học - Công nghệ và duy trì một cơ chế “xin - cho”.

Khoản 1 điều 16 dự thảo NĐ sửa đổi quy định một trong những trường hợp được miễn thuế nhập khẩu là “1. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc không vì mục đích kinh doanh trong thời hạn tối đa là 90 ngày”. Quy định này không chặt chẽ bởi với các doanh nghiệp, bất kỳ hoạt động nào cũng nhằm mục đích kinh doanh. Vì vậy, để minh bạch hơn, nên sửa lại là “không trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh”.

Thứ hai, cần nghiên cứu kỹ hơn về những thay đổi trong danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, lĩnh vực khuyến khích đầu tư nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đầu tư.

Theo dự thảo NĐ sửa đổi, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư có chín nội dung thay đổi hoặc loại bỏ; lĩnh vực khuyến khích đầu tư có tới 24 nội dung thay đổi hoặc loại bỏ. Như vậy, những thay đổi về chính sách ưu đãi là rất nhiều và phần lớn thay đổi theo dự kiến là hợp lý. Tuy nhiên, cần xem xét lại một số ưu đãi bị loại bỏ với lý do “nội dung này chỉ phù hợp với ưu đãi về hỗ trợ đầu tư”. Bởi lẽ, không có căn cứ nào để cho rằng những ưu đãi về thuế nói chung, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nói riêng không thuộc chính sách ưu đãi về hỗ trợ đầu tư.

Hơn nữa, danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP. Sự thay đổi danh mục này trong một nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành. Nếu những danh mục ưu đãi hỗ trợ đầu tư thực sự không còn phù hợp, thì cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 108/2006.

Thứ ba, theo dự thảo NĐ sửa đổi, nội dung sửa đổi liên quan đến hầu hết các điều khoản của NĐ 149. Đặc biệt, danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư kèm theo nghị định cũng có những thay đổi cơ bản. Vì vậy, cần thiết phải ban hành một nghị định mới thay thế NĐ 149 để tránh tình trạng phải đối chiếu quá phức tạp và có thể gây nhầm lẫn khi thực hiện.

(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%