Ngày 24/6/2009, TTg ký quyết định 889 công nhận thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Niềm phấn khởi “chưa kịp thấm” đến mọi người dân đô thị có vị trí địa lý trung tâm vùng lúa gạo cả nước thì 24 giờ sau, trong kỳ họp 16 HĐND thành phố, các đại biểu của dân “bị kéo ngược” thời gian về thời điểm hơn 6 năm, khi còn là tỉnh có đến 140 dự án, công trình trị giá hơn 168,38 tỷ đồng chưa thể quyết toán với ngân sách nhà nước...
Nguyên “mâm” gánh nặng ?!
Báo cáo trước kỳ họp 16 HĐND thành phố, Sở Tài chính thành phố công bố một báo cáo “không vui” với những con số thống kê đáng... giật mình. Trong khoảng từ 1998 đến 2003, thành phố “kế thừa” 140 dự án, công trình (gọi tắt là dự án) với tổng giá trị 168.386.565 triệu đồng chưa thể quyết toán. Cụ thể, theo danh mục thống kê, Sở Xây dựng (XD) đứng đầu bảng với 18 dự án (trị giá hơn 6,2 tỷ đồng); Sở LĐ-TB&XH: 13 dự án (hơn 12,67 tỷ đồng); Sở GD-ĐT: 13 dự án (2,78 tỷ đồng); Sở Nông nghiệp-PTNT: 12 dự án (3,929 tỷ đồng); Ban quản lý các Khu CN&CX: 10 dự án (3,165 tỷ đồng); Ban quản lý dự án giao thông: 7 dự án (101,130 tỷ đồng)... Đáng chú ý là, dù chỉ có 1 dự án nhưng giá trị “nợ quyết toán” của Văn phòng Tỉnh ủy lên tới 5,6 tỷ đồng từ 1999-2001; Trường Chính trị “nợ” 5,12 tỷ đồng từ 1999-2003. Nhìn sơ qua bảng thống kê, có tới 33 tổ chức, cơ quan chức năng thuộc nhiều ngành kinh tế-xã hội, các đoàn thể và của Cty vận tải thủy, Cty Sadico.
“Buồn” nhất là công trình “Cổng hàng rào” Viện KSND tỉnh, năm 2002 được ngân sách địa phương hỗ trợ 96,3 triệu đồng - giá trị nhỏ nhất trong 33 chủ đầu tư - cũng xem việc xài tiền ngân sách “nhẹ tựa lông hồng”, chẳng quan tâm việc quyết toán... Hoặc khoản ngân sách dự chi 32,604 triệu đồng cho dự án “Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhiên tỉnh” bố trí ở cạnh cầu Ninh Kiều (cồn Cái Khế) là 1 trong 2 dự án do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư - chưa kể 600, 655 triệu làm “cầu nông thôn thay cầu khỉ” - đã làm giữa chừng thì chính quyền chuyển thành “Nhà khách Ủy ban” rồi người ta cũng “cho qua” luôn. Liệu có phải vì số tiền quá nhỏ ?
Chính quyền bó tay
Với vai trò “tay hòm - chìa khóa”, Giám đốc Sở Tài chính Võ Thành Thống nhận xét: “Các dự án trên đều được triển khai thực hiện quá lâu, ít nhất từ 6 năm trở lên, hồ sơ thất lạc, người đại diện chủ đầu tư đã thay đổi gần hết (do nghỉ hưu hoặc chuyển công tác), trong khi đó, khâu bàn giao thực hiện không đầy đủ nên người đại diện kế tục không báo cáo quyết toán theo yêu cầu được. Mặc dù Bộ Tài chính đã nhiều lần hướng dẫn quyết toán các trường hợp thiếu hồ sơ theo quy định, song việc “buộc” các chủ đầu tư phải cam kết chịu trách nhiệm về việc thiếu hồ sơ để quyết toán là rất khó thực hiện vì đa phần thuộc trách nhiệm của người tiền nhiệm. Phức tạp hơn, do tồn đọng quá lâu, nhiều nhà thầu và tư vấn thực hiện các dự án đã sát nhập, giải thể, cổ phần hóa, còn các cá nhân trực tiếp liên quan cũng không còn tại vị nên đây có thể coi là “nhiệm vụ bất khả thi”. Trong 140 dự án tồn đọng, có nhiều dự án còn dở dang nhưng không có chủ trương, động thái (nhắc nhở) gì từ cấp có thẩm quyền; do đó, không có cơ sở báo cáo quyết toán và thẩm tra phê duyệt quyết toán. 15 dự án đã gởi báo cáo quyết toán cũng thiếu hồ sơ, tình trạng “thiếu” cũng rất đa dạng, mỗi dự án lại thiếu các loại hồ sơ khác nhau...”.
(Theo Huy Bình/dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com