Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đánh đố doanh nghiệp

Quy định mới của luật giao thông áp dụng từ ngày 1/7 sẽ làm khó nhiều doanh nghiệp vận tải

Quy định mới của luật giao thông áp dụng từ ngày 1/7 sẽ làm khó nhiều doanh nghiệp vận tải

Trong khi vẫn đang mong chờ những kiến nghị từng được các cơ quan quản lý cam kết giải quyết sớm trở thành hiện thực thì doanh nghiệp lại gặp phải những thách thức mới.

Có rất nhiều những nỗ lực, những cuộc gặp gỡ giữa các cơ quan chức năng và giới doanh nghiệp được tổ chức với mật độ “dày” hơn hẳn trong thời gian gần đây. Mục đích là lấy được thật nhiều ý kiến đóng góp, kịp thời điều chỉnh, ban hành các chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của giai đoạn suy giảm kinh tế. Nhưng doanh nghiệp cần nhiều hơn thế, họ cần sự hỗ trợ thực chất.

“Bẫy”… sai luật!

Ông Phạm Trọng Thịnh - Tổng thư kí Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng trong nhiều bài phát biểu gần đây đã nêu ý kiến: Hải Phòng là đầu mối tập trung nhiều xe vận tải hạng nặng lớn nhất phía Bắc, lên tới trên 3.000 đầu xe. Với số lượng xe này, Hải Phòng là một trong những địa phương hiếm hoi của cả nước thành lập và vận hành được Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ của riêng mình. Hiệp hội này chính là tổ chức ngành nghề của doanh nghiệp, là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp. Và đương nhiên những nhu cầu chung của doanh nghiệp ngành vận tải đường bộ cần được cơ quan chính quyền địa phương hỗ trợ hiệu quả thông qua hiệp hội này.

Nhu cầu chung, có tính chất bức xúc của các doanh nghiệp vận tải Hải Phòng hiện nay là khu vực đậu đỗ xe vận tải hạng nặng. Nhiều năm qua, Hiệp hội đã hết lần này đến lần khác đề nghị thành phố tạo điều kiện cho sử dụng một diện tích đất gần cảng và các kho hàng vào mục đích xây dựng khu đậu đỗ xe vận tải hạng nặng. Từ đó tránh hiện tượng các xe vận tải hạng nặng phải chạy lòng vòng tìm chỗ đỗ gây mất an toàn giao thông và đồng thời tiết kiệm chi phí xăng dầu, tránh thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, địa điểm do Thành phố giới thiệu lại cách các khu vực cảng và các kho hàng chính tới... hàng chục km và vì thế dù đủ diện tích vẫn không thể đáp ứng đúng đề nghị do Hiệp hội đưa ra. “Quyền lợi của Hiệp hội về nơi đậu đỗ xe gắn chặt với sự an toàn của xã hội và tính hiệu quả trong hoạt động vận tải đường bộ, chứ không phải Hiệp hội xin đất để kinh doanh mà chỉ chỗ nào cũng được” - ông Thịnh bình phẩm, “nếu thành phố còn không quan tâm tới quản lý hoạt động vận tải đường bộ một cách thực chất thì không thể mong doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ của Thành phố chuyên nghiệp hơn được trong hoạt động”.

Công khai các thông tin quản lý có giá trị quyết định tới tính kịp thời, hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ

Vấn đề gần đây dư luận quan tâm cũng do Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đưa ra đầu tiên là quy định của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 tới. Luật này quy định lái xe rơmooc phải có bằng lái hạng FC. Trong khi đó thì tuyệt đại đa số lái xe loại này hiện tại chỉ có bằng C. Doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ lo lắng vì còn quá ít thời gian để nâng bằng kịp cho trên 10.000 lái xe rơmooc trên cả nước. Mặt khác, hiện quy mô của các cơ sở, trung tâm đào tạo chưa đủ đáp ứng cấp bằng loại FC kịp với thời hạn luật định. Dù vấn đề đã được các cơ quan chức năng tiếp nhận xem xét, “nhưng nếu không có biện pháp điều chỉnh phù hợp thì chẳng khác gì luật mới ra đời đã đưa luôn các lái xe và xa hơn là các doanh nghiệp vào... bẫy sai luật. Hệ thống đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu mà cứ bắt phải đủ tiêu chuẩn thì không khác luật đánh đố doanh nghiệp” - ông Thịnh bức xúc nói.

Sao phải… dấu?

Trong chương trình tọa đàm “Hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế” mới được tổ chức gần đây tại Hải Phòng, một đại diện của Văn phòng luật sư xã hội và gia đình phát biểu rằng, qua nghiên cứu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ông thấy doanh nghiệp có rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện luật Doanh nghiệp. Trong đó có những vấn đề thuộc về trách nhiệm của chính quyền, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc giải quyết của cơ quan chuyên môn, chính quyền lại rất chậm chạp khiến cho doanh nghiệp lúng túng, khó khăn. Chẳng hạn, có những kiến nghị của luật sư, của doanh nghiệp thì được trả lời. Nhưng có nhiều kiến nghị lại không được giải quyết. Luật sư này cho rằng, để luật sư thực hiện tốt nghĩa vụ góp phần phát triển kinh tế thì chính quyền phải thấy được tầm quan trọng của hình thức hỗ trợ pháp lý. Và để hoàn thành được nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý thì luật sư phải được cung cấp các tài liệu liên quan. Nhưng đến các cơ quan Nhà nước, để có được tài liệu luật sư phải mất rất nhiều thời gian.

Chẳng riêng gì luật sư, việc tìm hiểu các nội dung trong hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương hiện thực sự là một khó khăn với đa số người dân. Dù các phương tiện thông tin như web site chính quyền, ngành, công báo, báo chí... của các địa phương đều có đủ. Nhưng nội dung về quản lý Nhà nước thì tương đối nghèo nàn và đặc biệt là thiếu chi tiết, không cập nhật liên tục, kịp thời. Đó là một thực tế được ông Đan Đức Hiệp - Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng thừa nhận. Ông Hiệp thừa nhận hiện nhiều ban chuyên môn, cơ quan quản lý không được phép cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp. Vì thế, ông ghi nhận và cam kết sẽ phản ánh với UBND thành phố, trao đổi với các ngành chức năng cung cấp những tài liệu được phép tới đối tượng có nhu cầu. Nhưng ngoài ra, còn có rất nhiều cách để doanh nghiệp tiếp cận với thông tin mình cần từ các nguồn như đến trực tiếp UBND gặp bộ phận thường trực giải đáp, đến các sở trực tiếp để hướng dẫn miễn phí, tìm hiểu qua kênh VCCI, các cơ quan tư vấn pháp luật và thông qua báo chí...

Dĩ nhiên, về nguyên tắc, một nền hành chính không công khai thì không thể là một nền hành chính mạnh mẽ và hiệu quả. Và vì thế, trong giai đoạn khó khăn vì suy giảm kinh tế, vấn đề công khai các thông tin quản lý càng có giá trị quyết định tới tính kịp thời, hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ. Nhưng điều doanh nghiệp cần là nỗ lực công khai thông tin một cách thực sự, chứ không chỉ là những lời... hứa! Thời gian qua, rất nhiều yêu cầu công khai hóa thông tin của doanh nghiệp vẫn chỉ được đáp ứng một cách cầm chừng. “Hứa thì hứa, nhưng dấu thì vẫn... dấu” - một doanh nghiệp đã nói thế ngay tại buổi tọa đàm “Hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế”. Tất cả các doanh nghiệp và đại diện chính quyền đều bật cười. Hy vọng rằng nhận xét ấy sẽ sớm trở thành... sai!

(Theo Quốc Dũng // Báo Doanh nhân)

  • TPHCM : Lợi dụng việc khai báo hải quan từ xa để lừa đảo
  • Intimex bị phạt 55 triệu đồng
  • Xử lý gần 500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
  • Thu hồi biển xe 88H-8888
  • Hướng dẫn chi tiết thi hành Luật thuế TTĐB
  • Sẽ giãn khoảng 4.000 tỷ đồng thuế TNCN trong 5 tháng đầu năm 2009
  • Sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước: Giao quyền nhưng phải đủ tầm
  • In ấn, buôn bán 'tiền giấy đồ chơi' có thể bị truy tố hình sự
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%