Đang phải gồng mình chống chọi khó khăn bao phủ lên các doanh nghiệp, Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn lại bị biến thành con nợ tiền tỷ từ những quyết định không rõ ràng của Tổng Cục Hải quan về việc áp thuế mới mặt hàng “Tời nâng kiểu thùng”.
Trong đơn kiến nghị gửi đến báo Dân trí, Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn có địa chỉ tại tầng 6, số 445 Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội phản ánh: Cục Hải quan TP. Hà Nội đã đưa ra quyết định ấn định thuế không đúng đối với mặt hàng nhập khẩu “Tời nâng kiểu thùng” được Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn nhập khẩu và bán cho khách hàng từ năm 2008, những quyết định mập mờ của cơ quan Hải quan đang đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh điêu đứng trong bối cảnh khó khăn kinh tế bao phủ khắp nơi.
Kể từ năm 2008 đến nay, khi nhập khẩu mặt hàng này Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn đều khai báo rõ ràng, được các cơ quan Hải quan thông quan với mã số và mức thuế theo mã mặt hàng HS 8428109000. Sau mỗi đợt nhập, toàn bộ số thiết bị trên đều được Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn bán hết cho khách hàng, có nhiều chiếc đã hết cả thời hạn khấu hao.
Nhưng đến tháng 2/2012, Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn bất ngờ bị yêu cầu truy thu thuế từ Cục Hải quan TP. Hà Nội. Trước đó, ngày 7/2/2012, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản số 456/TCHQ-TTr với nội dung: “Mặt hàng để được áp vào mã HS 84281090 phải là loại “tời nâng kiểu thùng (có tên gọi khác là trục tải thùng kíp) ở dạng các thùng chứa hoặc hòm xe có thể tích lớn, đáy mở tự động, thường dùng vận chuyển than trong hầm lò, chất đốt hoặc quặng cho lò cao, lò nung vôi... Nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên thì tùy theo hàng hóa thực tế nhập khẩu để áp vào mã số phù hợp 84281021, 84281029, 84281010”.
Dựa vào văn bản số 456/TCHQ-TTr, vào các ngày 1/6/2012 và 18/6/2012, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội lần lượt ban hành các quyết định về việc ấn định thuế đối với mặt hàng “Tời nâng kiểu thùng” do Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn nhập khẩu từ năm 2008, với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (điều chỉnh thuế nhập khẩu từ 0% lên thành 10% đối với các lô hàng đã thông quan).
Trong đơn đề nghị gửi đến báo Dân trí, ông Tống Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn cho rằng: Lý do ấn định thuế của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hữu Nghị đưa ra là “Phân loại, áp mã số, tính lại thuế theo kết luận 456/TCHQ-TTr ngày 7/2/2012 của Tổng cục Hải quan đối với mặt hàng tời nâng kiểu thùng(Vận thăng lồng)”; Còn lý do của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội là “Áp sai mã số (mã HS) tính thuế hàng nhập khẩu” đều không có căn cứ về mặt pháp lý.
Theo ý kiến của ông Tống Văn Tuấn, căn cứ để cơ quan Hải quan có thể ấn định thuế được quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế năm 2006 và Điều 58 Nghị định của Chính phủ số 154/2005/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát Hải quan. Theo đó, căn cứ để ấn định thuế là: “Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế”.
Việc Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 456/TCHQ-TTr được hiểu là một sự thay đổi cơ chế, chính sách của cơ quan có thẩm quyền. Tại các thời điểm Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn nhập hàng trước đó, quy định này vẫn chưa được ban hành, Công ty Sơn Đông không được biết đến sự điều chỉnh này nên không thể kết luận Công ty Sơn Đông kê khai sai mã HS để từ đó tiến hành ấn định thuế đối với Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn.
Về hiệu lực về mặt thời gian của văn bản số 456/TCHQ-TTr: Theo quy định của Nhà nước và pháp luật, thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định ngay trong văn bản đó. Trong trường hợp tại văn bản không quy định cụ thể về thời điểm có hiệu lực thì ngày hiệu lực được xác định là ngày ký ban hành văn bản. Áp vào trường hợp này thì văn bản số 456/TCHQ-TTr sẽ có hiệu lực sớm nhất kể từ ngày ban hành văn bản (từ ngày 7/2/2/2012 trở về sau).
Cũng theo nội dung trình bày của Giám đốc Tống Văn Tuấn, tính đến thời điểm này (7/11/2012), toàn bộ số hàng “Tời nâng kiểu thùng” nhập khẩu về của Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn đã được bán hết cho khách hàng không bao gồm thuế nhập khẩu 10%. Vì vậy, việc ấn định tăng thuế sẽ khiến Công ty rơi vào cảnh thua lỗ, phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Trong khi đó, hiện nay Nhà nước còn đang phải áp dụng chính sách miễn giảm thuế nhằm giải quyết khó khăn chung cho doanh nghiệp.
Từ những lý do trên, Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn khẩn thiết đề nghị cơ quan Hải quan và các các cơ quan chức năng khác xem xét lại quyết định ấn định tăng thuế đối với mặt hàng “Tời nâng kiểu thủng” để giúp cho Công ty CP máy công nghiệp Đông Sơn, cùng nhiều doanh nghiệp khác thoát khỏi những thiệt hại về kinh tế.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương
Theo Dân Trí
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com