Mỗi khi xảy ra tranh chấp thương mại, phổ biến doanh nghiệp (DN) các nước chọn con đường trọng tài do có nhiều ưu thế so với khi đưa giải quyết bằng tòa án. Tuy nhiên, ở Việt Nam tình trạng diễn ra ngược lại. Nhiều ý kiến hy vọng sắp tới nếu dự án Luật Trọng tài được Quốc hội thông qua sẽ ít nhiều thay đổi tập quán của DN trong nước.
Nhiều ưu điểm
Số vụ tranh chấp giữa DN trong nước với nhau, DN Việt Nam với đối tác nước ngoài liên tục tăng trong những năm trở lại đây. TS Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: Từ năm 2002 đến năm 2008, Trung tâm đã giải quyết 198 vụ, trong đó có 149 vụ tranh chấp quốc tế (chiếm 75%). Tranh chấp không chỉ tăng về số lượng mà cả giá trị. Số vụ lớn, giá trị tranh chấp khoảng 2 - 5 triệu USD, ngày càng nhiều.
Ông Chí dự báo số vụ tranh chấp năm nay còn có thể tăng cao, đồng thời đánh giá, lĩnh vực tranh chấp cũng đa dạng, phức tạp hơn. Nếu như trước đây, các tranh chấp thương mại quốc tế của DN Việt Nam chủ yếu là thanh toán, vận tải, bảo hiểm... thì nay có thêm nhiều lĩnh vực mới như đại diện, đại lý, tài chính, phân phối sản phẩm, đặc biệt là tranh chấp liên quan quyền sở hữu trí tuệ (chủ yếu là sở hữu công nghiệp)...
Xử lý tranh chấp trong kinh doanh, thương mại và các quan hệ dân sự khác thông qua trọng tài là xu thế rất phát triển ở các nước do có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Thứ hai, bảo đảm bí mật (xử kín)điều cực kì quan trọng đối với DN vì liên quan đến uy tín, thương hiệu của họ. Thứ ba, trọng tài viên thường là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên trách. Thứ tư, xét xử bằng cơ chế trọng tài chỉ một lần nên kết quả là chung thẩm và trung thực.
DN không "quen"
Việt Nam hiện đã có 7 trung tâm trọng tài. Chỉ có điều, theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, năm 2008, khi trung bình mỗi thẩm phán ở Tòa kinh tế (TAND thành phố Hà Nội) xử trên 30 vụ, mỗi thẩm phán ở Tòa kinh tế (thành phố Hồ Chí Minh) xử 50 vụ thì mỗi trọng tài viên của trung tâm chỉ nhận 0,25 vụ. 1/3 trọng tài viên thậm chí chưa bao giờ giải quyết một vụ nào.
Thông thường, mỗi khi "có chuyện", phản ứng của DN là đề nghị cơ quan quản lý hành chính cấp trên xử lý, nếu không được thì đem nhau ra tòa. Tập quán giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án của DN Việt Nam vẫn phổ biến. Một trong những lý do chính là Pháp lệnh Trọng tài thương mại (năm 2003) còn rất nhiều điểm hạn chế, nhất là có thể để xảy ra việc hủy phán quyết của trọng tài, khiến DN e ngại về hiệu lực thi hành, trong khi lẽ ra phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày được công bố, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phải nghiêm túc thực hiện. Quyết định của trọng tài buộc các bên phải thi hành ngay, nếu không sẽ được chuyển sang cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. Tòa án chỉ xem xét khi chứng minh được việc ra phán quyết vi phạm thủ tục hoặc có dấu hiệu không khách quan một cách rõ ràng. Mặt khác, năng lực của nhiều trọng tài Việt Nam còn hạn chế. Vì thế, ngay cả khi "viện" đến trọng tài, phần lớn DN các nước có tranh chấp với đối tác Việt Nam lại nhờ trọng tài... ở nước khác phân xử.
Dự án Luật Trọng tài được trình Quốc hội tới đây hy vọng sẽ sửa đổi, bổ sung được những nhược điểm, thiếu sót này. Điểm đáng quan tâm nhất là dự thảo đã mở rộng thẩm quyền của trọng tài: trọng tài không chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà cả các tranh chấp thuộc lĩnh vực dân sự, lao động; các bên tranh chấp không chỉ là tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có thể bao gồm cả chính quyền, chính phủ, DN... Đặc biệt, dự thảo luật lần này sẽ hạn chế nguy cơ phán quyết của trọng tài bị tòa án tuyên hủy.
(Theo Phan Long // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com