Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Đội' tiền tỷ, tăng khiếu nại

Xung quanh dự án khu nhà ở cao cấp Á Châu (phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mà báo Tiền Phong đã phản ánh, thực tế vẫn còn nhiều khuất tất.

Mượn danh làm dự án thoát nước, con đường vào biệt thự các chủ dự án đã gần hoàn tất  - Ảnh: Lê Thư

Theo công văn (số 153 ngày 12-4) của Cty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh BRVT (UDEC) - chủ đầu tư dự án Á Châu, công trình tuyến cống thoát nước 1.500 từ đường Phan Chu Trinh (PCT) qua hồ Á Châu vào hồ Bàu Sen (dài khoảng 530m) có chủ trương xây dựng từ năm 2004.

Dự án được chính quyền địa phương giao cho Cty Thoát nước Đô thị làm chủ đầu tư, thực hiện bằng vốn ngân sách nhằm thu gom, thoát nước mưa, nước thải cho lưu vực bên ngoài phạm vi dự án Á Châu, bao gồm khu vực Núi nhỏ và các cụm dân cư trên các tuyến đường PCT, Lương Văn Can.

Công trình đang được triển khai theo đúng thỏa thuận tuyến nhưng hiện bị vướng đền bù giải tỏa nhà dân nên còn một đoạn dài 43m chưa thể thi công.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Võ Khoa, Phó Giám đốc Cty Thoát nước Đô thị, cho biết: Hướng tuyến ban đầu theo thỏa thuận địa điểm được duyệt thì không như hiện nay (qua khu nhà dân- PV) mà cặp theo bờ hồ Á Châu (thuộc dự án) rồi kết nối vào hệ thống thoát nước trên đường Hoàng Hoa Thám (HHT). Hệ thống cống đường HHT dài hàng trăm mét, được lắp đặt trong quá trình làm đường và hiện nay chưa hoạt động.

Khi ấy, công trình thoát nước 1.500 nói trên được thiết kế dựa theo quy hoạch chi tiết 1/2000 khu nam sân bay TP Vũng Tàu được UBND tỉnh phê duyệt năm 2006.

Sau khi báo Tiền Phong phản ánh, ngày 20-4, ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu cho biết, vừa tham mưu lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu và yêu cầu UBND phường 2 tạm ngưng kế hoạch cưỡng chế giải tỏa để thực hiện dự án thoát nước.

Cũng theo ông Trí, UBND TP Vũng Tàu đã quyết định tạm ngưng thực hiện dự án để tổ chức rà soát nhằm điều chỉnh, sửa chữa các sai sót (nếu có).

Đến khi có quy hoạch 1/500 của khu nhà ở cao cấp Á Châu, xét thấy hướng tuyến ban đầu của tuyến cống thoát nước không tối ưu (có nhiều đoạn gấp khúc, hạn chế khả năng thoát nước) nên cơ quan chức năng đã nắn lại bằng cách cho đâm thẳng sang khu nhà dân.

Việc điều chỉnh đã làm tổng kinh phí đầu tư dự án tăng từ 5,4 tỷ đồng lên hơn 7,9 tỷ đồng và phát sinh khiếu nại của dân trong quá trình triển khai thực hiện.

Dự án này được điều chỉnh vốn đầu tư chỉ bằng tờ trình và được UBND tỉnh phê duyệt bằng một công văn, thay vì phải thẩm định, lập dự án mới theo quy định tại hai Nghị định số 16 và số 112 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Sở Xây dựng BRVT, khẳng định, nếu chỉ làm dự án thoát nước thì ngân sách tỉnh sẽ không chi hàng tỷ đồng để giải tỏa nhà đất của dân.

Việc địa phương ra quyết định cưỡng chế, buộc người dân bàn giao mặt bằng (hạn chót vào ngày 21-4) còn có mục đích khác. Đó là tuyến đường số 5 trên bản vẽ quy hoạch 1/500 trùng với hướng tuyến của công trình thoát nước (đã được nắn lại - PV).

“Nếu không làm lúc này thì sắp tới thi công tuyến đường số 5, người dân cũng phải bàn giao mặt bằng” - ông Nguyễn Trọng Thủy, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng nói.

(Theo Huy Thịnh // Tienphong Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%