Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án xử lý chất thải rắn Đa Phước - TP HCM xin nhập rác : DN thiệt hại lớn


Một góc khu xử lý rác thải Đa Phước
Thời gian gần đây tại TP HCM liên tục có những quyết định tréo ngoe từ cơ quan quản lý gây thiệt hại cho chủ đầu tư, khiến không ít DN lao đao.
 
Một trong những ví dụ điển hình là sự nhập nhằng trong quyết định cho nhập khẩu rác dự án xử lý chất thải rắn Đa Phước, làm cho DN này bị xoay như “con rối”, không biết phải kêu ai khi các hợp đồng đã được ký kết với đối tác nước ngoài nhưng lại vướng thủ tục, giấy phép cho nhập khẩu rác từ phía thành phố.

Cho nhập

Tại TP HCM, lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh hàng ngày có thể lên tới 600 tấn. Nhưng đó mới là con số thống kê được khá khiêm tốn so với con số thực tế. Theo ông Nguyễn Trung Việt - Trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở TN & MT TP HCM thì chỉ tính riêng lượng CTNH trên địa bàn khoảng 250 - 300 tấn; 150 m3 bùn thải từ hệ thống cống rãnh thoát nước và nếu cộng cả các tỉnh lân cận thì cao hơn rất nhiều, trong khi năng lực xử lý của thành phố hiện mới đạt 30 tấn/ngày. Điều này tạo nên áp lực lớn về nhu cầu giải quyết nguồn CTNH khổng lồ tồn đọng tại một số bãi rác, mới dừng lại ở việc chôn lấp đơn giản hoặc làm bãi chứa chờ xử lý. Ai cũng hi vọng, khi dự án nhà máy xử lý CTNH khép kín đầu tiên của thành phố mang tên Đa Phước được xây dựng, nỗi lo sẽ được giải tỏa. Tuy nhiên, chính những vướng mắc về mặt hành chính đã làm cho hi vọng của người dân thành phố vừa lóe lên đã vụt tắt.

Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước do Cty xử lý chất thải rắn VN (VWS) làm chủ đầu tư có khả năng chôn lấp 3.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày; nhà máy sản xuất phân hữu cơ có công suất 100 tấn/ ngày thời gian đầu và sau sẽ đạt tối đa 1.000 tấn/ngày; nhà máy phân loại vật liệu tái chế với công suất khoảng 600 tấn/ngày... Vào thời điểm bãi rác Đông Thạnh phải đóng cửa và công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn mới dừng lại ở mức “chôn lấp hợp vệ sinh”, thì đây là một “cứu cánh” cho chính quyền TP HCM trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt thải ra hàng ngày.

Tuy nhiên, khi hạng mục chôn lấp rác thải đã đi vào hoạt động từ cách đây 4 năm; việc xây dựng nhà máy phân loại vật liệu có thể tái chế cũng đã được chủ đầu tư hoàn thành từ cách đây gần 1 năm thì hiện vẫn cứ phải nằm “đắp chiếu”.

Lý do, theo đại diện VWS, việc nhập khẩu rác từ Mỹ về để chạy thử hệ thống phân loại, xử lý CTNH vì rác ở TP HCM không đạt yêu cầu. Trong cam kết của VWS là Sở TN & MT phải giao cho DN này loại rác đã phân loại tại nguồn (rác hữu cơ và vô cơ riêng biệt, trong đó chỉ có rác vô cơ mới tái chế được), còn rác tại TP HCM đều là loại hỗn hợp cả vô cơ lẫn hữu cơ.

Thế nhưng, chính quyền thành phố vẫn chưa có động thái nào để giao rác thải sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn cho VWS làm nguyên liệu. Chẳng thể khoanh tay ngồi chờ, tháng 12/2010, VWS đã có văn bản xin TP HCM cho nhập khẩu 10 ngàn tấn phế liệu về để vận hành thử nhà máy; để chuyên gia nước ngoài nghiệm thu trước khi đưa vào vận hành chính thức. Khi xin phép được nhập phế liệu, VWS cũng cam kết sẽ nhập từng đợt để chạy thử trong thời gian ngắn; phế liệu nhập về là loại sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường theo quy định...

Đến tháng 6/2011 vừa qua, VWS tiếp tục có văn bản nhắc lại nội dung này. Và ngày 12/7, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận đề nghị cho phép VWS nhập phế liệu nhựa và giấy về để chạy thử nhà máy trong vòng 10 ngày với yêu cầu : Việc nhập khẩu phải tuân thủ hướng dẫn trước đó của Tổng cục môi trường và theo đúng các quy định hiện hành.

Rồi không cho nhập

Tuy nhiên, trong lúc VWS đang khấp khởi với kế hoạch nhập rác để chạy thử, cùng với những dự tính hết sức kinh tế trong lĩnh vực xử lý CTNH mang lại khá nhiều lợi nhuận thì một quyết định bất ngờ từ phía cơ quan chức năng như dội gáo nước lạnh xuống đầu DN này. Khi thủ tục nhập khẩu đang được chủ đầu tư xúc tiến, một vài hợp đồng đã được ký kết với đối tác chỉ còn chờ ngày nhập về thì đùng một cái ngày 27/7 vừa qua, thành phố lại có văn bản yêu cầu ngưng việc nhập phế liệu.

Tréo ngoe hơn, văn bản này còn yêu cầu Sở TN – MT và VWS phải phối hợp với các địa phương sở ngành liên quan rà soát lại chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn để xây dựng phương án thực hiện khả thi; đảm bảo đẩy nhanh công tác phân loại rác tại nguồn trên địa bàn... Mà lẽ ra, việc này thuộc trách nhiệm của chính quyền thành phố như đã cam kết với chủ đầu tư. Cách làm này khiến VWS chỉ còn nước khóc ròng khi việc nhập khẩu phế liệu đã được xúc tiến với đối tác. Chưa hết, với kiểu chỉ đạo “giật cục” như vậy, dây chuyền tái chế phân loại rác trị giá hàng triệu USD này tiếp tục phải đắp chiếu chờ có rác để chạy thử để nghiệm thu, còn chờ đến bao giờ thì... chưa có câu trả lời chính xác !   

Thực tế, nếu VWS sớm đi vào hoạt động trong khâu xử lý chất rắn sẽ bớt được nạn bát nháo trong thu gom, xử lý CTNH mà hiện một số DN tư nhân đang tranh giành “miếng bánh ngon” này mà hiệu quả thực không tới đâu mà còn phát sinh những hệ lụy...

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà sự tắc trách thuộc về cơ quan quản lý. Điều đó, không chỉ tạo nên một tiền lệ xấu mà còn gây ra những thiệt hại lớn cho DN, làm mất đi niềm tin với đối tác, nhất là với những đối tác nước ngoài.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%