Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dùng “âm binh” chiếm đoạt công ty

Cuộc “đảo chính” của những “âm binh” khiến cho diễn biến câu chuyện về Công ty Hoa Lư ngày càng thêm kỳ quái  

Sau hơn nửa năm tự ý tuyên bố ngừng sản xuất và bỏ nhiệm sở, ông Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nước giải khát Hoa Lư (Công ty Hoa Lư) bỗng tái xuất giang hồ, triệu tập cả cổ đông ma để ra nghị quyết loại bỏ giám đốc Dương Quốc Tuấn ra khỏi công ty, dù ông Tuấn đang là người giữ nhiều cổ phần nhất.

Sau loạt bài “Kỳ án thời cổ phần hóa” trên báo TNVN, ông Dương Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Hoa Lư, nhân vật chính của loạt bài này đã tiến hành các thủ tục để xin kháng nghị Bản án phúc thẩm kinh doanh thương mại (nhưng lại được ghi rõ trong án văn là bản án hình sự) của TAND Tối cao tuyên hủy phần vốn điều lệ mà ông đã bỏ ra nhằm cứu công ty khỏi nguy cơ phá sản. Trong khi vụ việc còn đang chờ đợi được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, các ông Phạm Hùng Can, Chủ tịch HĐQT và Lã Phú Minh, ủy viên HĐQT công ty, sau 6 tháng “bặt vô âm tín”, bỏ bê doanh nghiệp về nhà âm thầm tính toán, đã bất thần trở lại. Nhưng sự trở lại của họ không phải để ổn định tình hình của doanh nghiệp mà nhằm tổ chức một âm mưu mới để chiếm đoạt công ty.

Thay cho “cú đòn hy sinh” đã áp dụng cách đây nửa năm, lần này ông Chủ tịch HĐQT Phạm Hùng Can sử dụng thế trận tấn công tổng lực với sự tham gia của lực lượng “âm binh” - tức là những cổ đông chưa được thừa nhận hợp pháp - để tước bỏ quyền lợi của ông Dương Quốc Tuấn tại công ty. Đầu tiên, ngày 25/11/2008, ông Can ban hành thông báo không số về việc triệu tập đại hội cổ đông bất thường để bãi nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT. Nội dung đại hội rất quan trọng như vậy, nhưng ông Dương Quốc Tuấn - một trong ba thành viên của HĐQT, người nắm giữ nhiều cổ phần nhất của công ty - lại không được mời, không được tham gia bàn bạc.

Danh sách cổ đông được mời bao gồm 44 người thì trong đó có 21 người đã chuyển nhượng cổ phần trái phép cho bà Vũ Thị Mai, nhân vật đã được đề cập trong kỳ ba của loạt bài “Kỳ án thời cổ phần hóa” với vai trò là người có những tác động tới ông thẩm phán Phạm Trung Kết trong quá trình ông thụ lý vụ án và thực tế tại phiên tòa ông ngồi ghế chủ tọa đã ra phán quyết tước bỏ quyền lợi của Giám đốc Dương Quốc Tuấn. Bản danh sách 44 cổ đông này được ghi là: “Dựa trên danh sách cổ đông đã đăng ký với Sở KH&ĐT Ninh Bình ngày… (vì chưa đăng ký nên ngày tháng đành phải bỏ trống – PV)”.

 Như vậy, rõ ràng việc triệu tập đại hội cổ đông này là không đủ cơ sở. Tuy nhiên, đại hội vẫn được diễn ra vào ngày 4/12/2008 tại một… nhà hàng ở Ninh Bình. Kết quả, cuộc “đại hội” tại nhà hàng đã thống nhất thay đổi số vốn đăng ký kinh doanh từ 876.175.040 đồng xuống còn 376.175.040 đồng (để loại bỏ số vốn của ông Tuấn dù không đưa ra được hình thức nào để thực hiện). Đồng thời với việc này, “đại hội” cũng bầu ông Hoàng Đình Thường làm thành viên HĐQT và làm luôn giám đốc Công ty thay ông Tuấn. Nhân vật Hoàng Đình Thường, theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Công ty Hoa Lư, hiện vẫn chưa phải là cổ đông chính thức tại Công ty.

Ngay sau khi “đại hội” kết thúc, HĐQT mới đã ra một loạt văn bản như: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, tờ khai điều chỉnh thuế, thay đổi vốn điều lệ và người đại diện theo pháp luật…. Những văn bản này đều hướng đến nội dung loại bỏ sự hiện diện của ông Dương Quốc Tuấn và số vốn của ông tại Công ty Hoa Lư. Điều đáng nói là tất cả các văn bản liên quan đến cuộc “đại hội” này đều không được đóng dấu vì không có sự hiện diện của các thành viên điều hành Công ty.

Rất nhiều nội dung thể hiện trong các văn bản này đều cho thấy sự mâu thuẫn, trái pháp luật. Với chữ ký của mình tại các văn bản trên, Chủ tịch HĐQT Phạm Hùng Can tiếp tục thể hiện sự bất nhất, thiếu hiểu biết đến ngây ngô của mình. Ví dụ: Trong Quyết định của HĐQT Công ty Hoa Lư về việc thay đổi vốn điều lệ và người đại diện theo pháp luật số 09/QĐ-DN ngày 5/12/2008 do Chủ tịch HĐQT Phạm Hùng Can ký có ghi: “Căn cứ vào Điều lệ của Công ty cổ phần nước giải khát Hoa Lư”; trong khi đó, cũng ông Can, tại Bản tường trình gửi TAND tỉnh Ninh Bình ngày 26/6/2008, lại khẳng định: “Công ty cổ phần nước giải khát Hoa Lư trong quá trình hoạt động còn nhiều khiếm khuyết: Chưa có sổ cổ đông, chưa có giấy xác nhận cổ phần cho các cổ đông, chưa có Điều lệ công ty…”. Vậy ở đâu ra cái “Điều lệ Công ty” ở Quyết định kể trên. Chẳng lẽ 6 tháng đóng cửa phòng làm việc tại Công ty, ông Chủ tịch HĐQT bỏ về nhà tự viết ra Điều lệ công ty rồi tự mình biểu quyết thông qua, tự mình công nhận?.

Một ví dụ khác: Trong Bản trích Biên bản họp Đại hội cổ đông họp tại nhà hàng kể trên, cũng do ông Chủ tịch HĐQT Phạm Hùng Can ký (đề ngày 5/12/2008, thực tế là họp ngày 4/12/2008), có nội dung bầu bổ sung ông Hoàng Đình Thường vào HĐQT; trong khi ông này chưa phải là cổ đông chính thức của Công ty. Ông này có mua cổ phần của cổ đông Mai Kim Liên, nhưng việc mua bán này chưa hợp lệ, bởi cổ phiếu ông mua là cổ phiếu ghi danh nhưng lại chưa thông qua HĐQT và đương nhiên chưa được sự xác nhận bằng con dấu của người đại diện theo pháp luật của Công ty Hoa Lư.

Hơn nữa, để được bầu vào HĐQT, ông Thường phải có ít nhất số cổ phần bằng 5% số vốn điều lệ của Công ty; nhưng thực tế, ngay cả số cổ phiếu ông Thường đang “mua chui” cũng chỉ chiếm được 2,31% số vốn điều lệ hiện tại của Công ty. Vậy mà ông Chủ tịch HĐQT Phạm Hùng Can vẫn cứ “ngây ngô” ký văn bản thông báo ông Thường là ủy viên HĐQT và là Giám đốc Công ty thay thế ông Tuấn. Điều đáng quan tâm là, theo ông Dương Quốc Tuấn, chính ông Thường đã nói với ông Tuấn: “Tôi chỉ làm giám đốc hộ cho họ vài tháng rồi thôi…”.

Tất nhiên, những văn bản kể trên không hề có giá trị pháp lý. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là mục đích của các động thái trên nhằm để làm gì? Ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính kiêm Chủ tịch công đoàn Công ty Hoa Lư cho rằng, tất cả chỉ để tạo ra sự hoang mang cho cổ đông và những người lao động nhằm phá hoại hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Ông Thanh cũng cung cấp thêm cho phóng viên một thông tin rất đáng chú ý.

Đó là: Ngày 8/8/2008, tức là ba ngày sau cuộc đại hội mà nhiều người gọi là “đại hội kết nghĩa nhà hàng”, có một phụ nữ tìm gặp ông Thanh, đưa cho ông một tập hồ sơ gồm toàn bộ những văn bản về “đại hội” và một phong bì (bên trong có 1 triệu đồng) đề tên “Mai Thắng - Công ty TNHH Chiến Sơn”, có địa chỉ tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Người phụ nữ này đưa tập hồ sơ cho ông Thanh và đề nghị ông Thanh ký xác nhận việc cô Mai đã mua cổ phần của một số cổ đông của Công ty. Sau khi xem xét đề nghị đó, thấy không thể chấp nhận, ông Thanh đã gọi điện theo số điện thoại trên phong bì và gặp cô Vũ Thị Mai. Ông Thanh xin gửi trả số tiền nhưng cô Mai nói rằng, đó là tiền để mua quà cho cháu.

Vì vậy ông Thanh đã đề nghị lập biên bản sự việc, có sự hiện diện của ông Trịnh Ngọc Sơn, công an xã nơi ông Thanh sinh sống. Sau đó, toàn bộ hồ sơ và số tiền này, ông Thanh đã bàn giao cho Kế toán trưởng và Ban lãnh đạo Công ty Hoa Lư.

Một điều đáng nói nữa là tại đại hội cổ đông bất thường họp tại nhà hàng kể trên, ngoài 3 nội dung (Thay đổi số vốn điều lệ (để loại bỏ số vốn của ông Tuấn); Bãi nhiệm chức vụ thành viên HĐQT và Giám đốc Công ty của ông Tuấn; và bổ sung, bổ nhiệm ông  Hoàng Đình Thường vào thành viên HĐQT và giữ chức Giám đốc Công ty), không thấy bàn một nội dung rất quan trọng là xây dựng phương án kinh doanh để cứu Công ty đang trong tình trạng trở lại thời kỳ bi đát trước đây.

Ngoài ông Can, ông Thường, thì ông Lã Phú Minh, thành viên thứ 3 trong HĐQT, tại phiên tòa trước đây đã từng thú nhận mình không có năng lực. Trong khi người đã góp vốn, đã điều hành và làm Công ty hồi sinh trở lại thì bị loại bỏ thẳng thừng ra khỏi HĐQT và tước luôn cả chức giám đốc Công ty. Một Công ty cổ phần mà các thành viên trong HĐQT đều thể hiện năng lực và phẩm chất như thế thì Công ty sẽ đi về đâu. Rõ ràng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đang bị một số phần tử nơi đây lợi dụng, làm cho méo mó.

Xâu chuỗi toàn bộ sự việc trên, có thể thấy rõ là các đối tượng đứng đằng sau âm mưu chiếm đoạt Công ty Hoa Lư đã lộ diện và đang tìm mọi cách để đẩy công ty này vào đường cùng. Ông Dương Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Hoa Lư sẽ phải làm gì để cứu mình, và cứu cả Công ty? Liệu những nỗ lực của vị giám đốc trẻ có nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng?

Báo TNVN sẽ tiếp tục theo sát diễn biến vụ việc để thông tin tới bạn đọc trong những số báo tiếp theo./.

(Theo vov)

  • Lệ phí trước bạ ôtô tại Hà Nội sẽ tăng lên 12%
  • Bắt khẩn cấp đối tượng lừa đảo cổ phiếu
  • Không truy thuế nguyên phụ liệu may mặc dư thừa
  • Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT
  • Quy định điều kiện đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bưu chính, viễn thông
  • Pháp lệnh Quảng cáo: Chiếc áo đã chật
  • Đề xuất tăng giá đất một số khu vực Hà Nội "mới"
  • Xử phạt 30 triệu CTCP Xuất Nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%