Dường như Hạt kiểm lâm nào ở Kon Tum cũng ngổn ngang gỗ tịch thu của lâm tặc chất đống ngoài trời, mặc mưa nắng hủy hoại. Lý do đơn giản là các Hạt không được đầu tư xây dựng kho bãi để bảo quản tang vật.
Gỗ tang vật để ngoài trời, dầm mưa, dãi nắng |
Sân sau Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà, gỗ tang vật nằm chất chồng giữa trời. Nhiều khúc gỗ nằm lâu ngày ngoài trời bị mối xông hoặc bị khô nẻ rạn nứt.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Hạt đã xử lý 101 vụ vi phạm lâm luật, có 94 vụ xử lý hành chính và ba vụ khởi tố. Khối lượng lâm sản tịch thu được 53,96 m3, phần lớn là các loại gỗ có giá trị cao như trắc, sến, sao, dổi, dầu…
Để đưa được gỗ tang vật về hạt cất giữ, các cán bộ kiểm lâm phải ngày đêm mật phục, quyết liệt đấu tranh với lâm tặc, có khi đổ cả máu. Rồi phải túc trực canh giữ, thuê người bốc vác, thuê xe vận chuyển về Hạt, bởi nếu không nhanh tay, lâm tặc dễ tấn công cướp lại tang vật.
Việc thuê người, thuê xe đưa tang vật về Hạt cũng không dễ, vì các chủ xe thường không mặn mà vì sợ trả thù. Thế nhưng, gỗ tịch thu được phần lớn chất đống ngoài trời.
Hạt trưởng Nguyễn Phúc cho biết: “Không phải chúng tôi không biết điều này, nhưng lực bất tòng tâm, bởi Hạt không có nhà kho cất giữ tang vật. Còn việc tổ chức bán đấu giá khi nào là do hội đồng bán đấu giá huyện quyết định, Hạt không có quyền”.
Biết là lãng phí…
Nhiều vụ lâm sản tịch thu được cả năm trời nhưng vẫn chưa tổ chức bán đấu giá. Trưởng Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy Trương Văn Lên giãi bày: “Năm 2008, đơn vị phát hiện và xử lý 30 vụ vi phạm, tịch thu 36,661 m3 gỗ trắc; gần tám tháng đầu năm 2009, xử lý 13 vụ vi phạm, tịch thu gần 8 m3 gỗ trắc.
Toàn bộ hồ sơ, gỗ tang vật năm 2008, và hồ sơ cùng gần 2 m3 gỗ trắc năm 2009, Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy đã chuyển cho Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện và Phòng Tài chính huyện Đăk Hà. Tổng số tiền chi phí thuê mướn vận chuyển và bảo quản gỗ tang vật khoảng 15 triệu đồng.
Song, từ năm 2008 đến nay, Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy vẫn chưa nhận được một đồng nào, gỗ bán được hay không cũng không rõ. Không có tiền, đơn vị phải vay mượn và trích tiền công đoàn để chi phí cho vận chuyển, bốc xếp”.
Trả lời báo giới, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà Phạm Đức Hạnh thừa nhận, một lượng gỗ tang vật còn tồn chưa bán đấu giá. Riêng với gỗ trắc, ông Hạnh giải thích UBND huyện chủ trương giữ lại, không cho gỗ lưu thông ra ngoài thị trường, nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế mua bán, khai thác gỗ trái phép để bảo vệ nguồn gen gỗ trắc tại Rừng đặc dụng Đăk Uy.
Các loại gỗ tang vật khác, ông Hà thừa nhận, cách tổ chức bán đấu giá để thu tiền nộp vào ngân sách và khấu trừ các khoản chi phí vẫn còn chậm.
Việc chậm trễ này không chỉ có ở huyện Đăk Hà. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổng khối lượng gỗ vi phạm được hạt kiểm lâm các huyện tịch thu từ đầu năm đến nay trên 700 m3, nhưng còn tồn chưa tổ chức bán đấu giá trên 660 m3 (kể cả một số gỗ tồn từ năm 2008 chuyển sang).
Cụ thể, huyện Sa Thầy tồn 110,89 m3, Tu Mơ Rông 101 m3, Đăk Tô 106 m3, Đăk Glei 62,91 m3…
Gỗ tịch thu không có kho bãi bảo quản, giá trị gỗ khi bán đấu thường thấp, gây lãng phí không đáng có. Việc này chính quyền các cấp, các ngành có thể giải quyết trong tầm tay, nhưng nhiều năm nay vẫn tồn tại.
(Theo Nguyên Khanh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com