Nhiều người mong muốn Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thêm nhiều cuộc hội thảo nữa bàn về phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự. Và họ mong muốn chính các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ có những hội thảo tương tự.
Bị cáo Phạm Đình Tiếng một mực kêu oan, không nhận đã có hành vi “nhận hối lộ” và “lừa đảo” - Ảnh: Minh Thùy |
Các vụ án (đã được minh oan, hoặc đang có dấu hiệu oan sai) nêu tại hội thảo “Cải cách tư pháp và phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự” do Liên đoàn LSVN tổ chức cùng có các điểm chung sau:
Một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai, theo luật gia Hồ Trọng Ngũ (Văn phòng Quốc hội): “Một số ít cán bộ của bộ máy tư pháp, trước những lợi ích thiển cận, đã chà đạp lên công lý, đổi trắng thay đen, coi thường các giá trị về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích khác của công dân”. |
Trước hết, đó thường là án truy xét, để tránh áp đặt chủ quan của người tiến hành tố tụng, việc tuân thủ các quy định của Bộ luật TTHS là tối quan trọng. Tuy nhiên, những vụ án được nêu ở các số báo trước (vụ Vườn Điều ở Bình Thuận, vụ trộm cắp cổ vật ở Bắc Ninh, vụ Phạm Đình Tiếng ở Hà Nội) đều có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Một đặc điểm nữa, trong những vụ án oan, luật sư thường không được vào cuộc từ đầu, điển hình là vụ án “Lá trúc đào” ở Quảng Ninh: Bị cáo bị kết tội “giết vợ” bằng cách cho lá trúc đào lẫn vào lá chè, pha nước cho vợ uống.
Kết luận này dựa trên vật chứng thu được tại sân nhà nạn nhân, trong bã chè có cả lá trúc đào. Được tham gia phiên toà phúc thẩm, luật sư bào chữa cho người chồng kịp thời kiến nghị: phải trưng cầu giám định pháp y.
Kết quả, trong nội tạng nạn nhân, pháp y hoàn toàn không tìm thấy độc tố của lá trúc đào. Bị cáo được trả tự do, thay cho mức án 20 năm tù toà sơ thẩm tuyên trước đấy!
Một đặc điểm khác, trong các vụ án có dấu hiệu oan sai, hoạt động điều tra thường có dấu hiệu mớm cung, bức cung, song việc này rất khó chứng minh.
Trong vụ án Phạm Đình Tiếng, theo luật sư Vũ Quang Ninh, các đối tượng đưa ra lời khai cột tội Tiếng có dấu hiệu bị mớm cung, thông cung; đơn tố cáo việc này đã được các luật sư nộp cho HĐXX phiên toà sơ thẩm, song chưa được xem xét.
Những kiến nghị cấp bách
Để phòng chống oan sai, luật sư giữ vai trò quan trọng. Thế nhưng, họ đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi tham gia các vụ án hình sự: từ xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa, đến gặp bị can, bị cáo, tham gia các buổi hỏi cung...
“Thực tế cho thấy vai trò của luật sư đặc biệt bị hạn chế trong giai đoạn điều tra, vấn đề tranh tụng tại phiên toà cũng chưa chuyển biến rõ nét, đây là những vấn đề bức xúc” - TS Nguyễn Văn Điệp (Học viện Tư pháp) nhận xét.
Nhiều diễn giả tham gia hội thảo cùng nêu ra những bất cập trong Bộ luật TTHS hiện nay. TS Nguyễn Đức Mai (Chánh tòa Hình sự TAQSTƯ) nhận định Bộ luật TTHS cần được sửa đổi mạnh mẽ, quy định chặt chẽ nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Theo ông Mai, Viện kiểm sát chỉ nên thực hiện chức năng công tố, khi đó trách nhiệm chỉ đạo hoạt động điều tra và tranh tụng tại toà của cơ quan này sẽ tăng lên.
TS Nguyễn Ngọc Chí (Đại học quốc gia Hà Nội) phân tích Bộ luật TTHS, Nghị quyết 388 và Luật Bồi thường nhà nước, để nhận định trong việc bồi thường cho người bị oan, các quy định pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, khi áp dụng gặp rất nhiều vướng mắc.
Nhiều người đề nghị Liên đoàn LSVN không bó gọn phòng chống oan sai trong một hội thảo, mà cần tổ chức thêm nhiều cuộc nữa, mổ xẻ đề tài trên cả góc độ lý luận và thực tiễn, quan trọng nhất là phải tạo ra những biến chuyển trong thực tế, góp phần hạn chế oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, coi đây là đóng góp thiết thực của giới luật sư Việt Nam vào công cuộc cải cách tư pháp.
(Theo Tiền phong online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com