Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật hoá hoạt động kiểm toán độc lập

So với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thì thị trường kiểm toán Việt Nam hiện còn quá nhỏ. - tinkinhte.com
So với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thì thị trường kiểm toán Việt Nam hiện còn quá nhỏ. Ảnh: Đức Thanh
Sau gần 20 năm đưa thị trường kiểm toán vào vận hành, Bộ Tài chính (BTC) mới bắt tay vào xây dựng Luật Kiểm toán độc lập nhằm khắc phục những hạn chế trên thị trường kiểm toán hiện nay.
 
Theo số liệu của BTC, tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 165 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, với trên 6.400 người làm việc, trong đó có khoảng 1.500 người đã được cấp chứng chỉ kiểm toán viên. “Thông qua việc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn tài chính, các công ty kiểm toán đã góp phần giúp các doanh nghiệp, dự án quốc tế, cơ quan, đơn vị sự nghiệp không chỉ nắm bắt kịp thời, đầy đủ và tuân thủ các quy định về tài chính, mà còn loại bỏ được những chi phí bất hợp lý, tạo lập được lòng tin của những người sử dụng các thông tin tài chính”, BTC đánh giá.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của BTC, so với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thì thị trường kiểm toán Việt Nam hiện còn quá nhỏ. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán, số người hành nghề kiểm toán quá ít; đối tượng bắt buộc phải kiểm toán còn hạn chế (hiện chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, công ty niêm yết, công ty đại chúng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính và các dự án xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước mới phải kiểm toán)… và đặc biệt là chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, nhất là báo cáo tài chính của các công ty niêm yết, công ty đại chúng chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân chính của việc chất lượng kiểm toán chưa đạt yêu cầu, theo ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), là điều kiện thành lập và hoạt động của công ty kiểm toán quá dễ dàng. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp kiểm toán chỉ cần có ít nhất 3 người có chứng chỉ kiểm toán viên, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc.

Theo ông Mai, việc quy định số lượng kiểm toán viên đối với một công ty kiểm toán quá ít và không yêu cầu công ty kiểm toán phải có vốn điều lệ tối thiểu đã dẫn tới số lượng công ty kiểm toán thành lập mới trong vài năm gần đây tăng quá nhanh, nhưng chủ yếu là công ty nhỏ có vốn điều lệ 200-300 triệu đồng và chỉ có đúng 3 người có chứng chỉ hành nghề. Điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ kiểm toán không bảo đảm, làm ảnh hưởng đến lợi ích của đối tượng sử dụng báo cáo tài chính, đặc biệt là nhà đầu tư vào các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập đang được BTC xây dựng quy định, để được cấp phép thành lập và hoạt động, công ty kiểm toán bên cạnh việc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trong việc thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, còn phải có vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Chính phủ, có ít nhất 5 người có chứng chỉ kiểm toán viên, bao gồm cả giám đốc (hoặc tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng thành viên. Trong quá trình hoạt động, công ty kiểm toán bắt buộc phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

Việc nâng số lượng kiểm toán viên, theo ông Mai sẽ buộc các công ty kiểm toán phải nâng quy mô hoạt động (cả về nhân sự lẫn vốn điều lệ), góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán. “Kinh doanh dịch vụ kiểm toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên việc Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập yêu cầu công ty kiểm toán phải đáp ứng vốn điều lệ tối thiểu là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, Luật Kiểm toán độc lập nên quy định cụ thể mức vốn tối thiểu, thay vì để Chính phủ quy định”, ông Mai phân tích và đề xuất, mức vốn tối thiểu ban đầu đối với công ty kiểm toán nước ngoài là 500.000 USD, công ty kiểm toán trong nước là 4-5 tỷ đồng và sau một thời gian hoạt động phải yêu cầu các công ty kiểm toán nâng vốn điều lệ theo lộ trình tương tự như việc nâng vốn điều lệ tối thiểu đối với các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay. Đối với công ty hiện chưa đáp ứng được điều kiện thì cần phải đưa ra lộ trình tối đa là 2 năm kể từ khi Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực, bắt buộc phải đáp ứng đủ các điều kiện, nếu không dứt khoát phải yêu cầu giải thể, sáp nhập.

Sau gần 20 năm hoạt động, thị trường kiểm toán Việt Nam vẫn được đánh giá là quá nhỏ, mà nguyên nhân chính, theo ông Mai, là quy định về đối tượng bắt buộc phải kiểm toán hiện quá hẹp. “Vì vậy, một mặt phải nâng cao chất lượng kiểm toán thông qua nâng điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán, mặt khác phải mở rộng đối tượng bắt buộc phải kiểm toán. Cụ thể, ngoài những đối tượng bắt buộc phải kiểm toán như trên, cần phải bổ sung thêm các đối tượng khác như tổ chức phát hành trái phiếu, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty cổ phần, doanh nghiệp kiểm toán, công ty TNHH và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ…”, ông Mai đề xuất.

(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)

  • Lợi ích quốc gia
  • Xử lý nhà, đất đang thuê của Công ty quản lý kinh doanh nhà
  • Vốn tối thiểu 30 tỷ đồng mới được hoạt động thông tin tín dụng
  • Phạt đến 150 triệu Đồng đối với hành vi kinh doanh phân bón giả
  • Kiên quyết sắp xếp các Tổng công ty kém hiệu quả
  • Quyết liệt xử lý vi phạm an toàn lao động trong doanh nghiệp
  • Hà Nội: Phạt 15 triệu đồng nếu đổ rác sai quy định
  • Sai phạm lớn trong đầu tư đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%