Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mạnh tay hơn với vi phạm về kế toán

Bộ Tài chính vừa hoàn thành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán. 

Hệ thống các Chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán đã được công bố và ban hành khá đầy đủ, song chất lượng công tác kế toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu

Việc sửa đổi, bổ sung NĐ 185 là cần thiết khách quan. Bởi lẽ, mặc dù Luật Kế toán đã ban hành và có hiệu lực từ năm 2004, hệ thống các Chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán đã được công bố và ban hành khá đầy đủ, song chất lượng công tác kế toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nền kinh tế quốc dân.

Mạnh tay hơn

Theo Dự thảo, NĐ sửa đổi 13 điều của NĐ 185 và bổ sung 02 điều mới. Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán sẽ mạnh tay hơn.

Trước hết, những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán được nghiên cứu, bổ sung đầy đủ hơn. Đáng quan tâm là, Dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung đã quy định thêm hàng loạt hành vi được coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán như: vi phạm trong việc tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán trưởng; ký chứng từ kế toán không đúng với quy định về bố trí chữ ký của các chức danh lãnh đạo đối với từng loại chứng từ kế toán; không in sổ kế toán ra giấy sau khi đã khóa sổ trên máy vi tính đối với các loại sổ phải in theo quy định, hoặc không có đầy đủ chữ ký và đóng dấu theo quy định khi in sổ; không lập báo cáo tài chính hoặc lập báo cáo tài chính không đầy đủ...

Theo Dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán cũng được nâng lên khá cao. Theo NĐ 185, mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm bị phạt tiền với mức tối đa là 20.000.000 đồng, Dự thảo NĐ sửa đổi nâng lên mức 30.000.000 đ. Các mức phạt cụ thể với từng hành vi vi phạm cũng được nâng lên gấp đôi so với quy định tại NĐ 185. Chẳng hạn, theo NĐ 185, hành vi “Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký...” bị phạt tiền từ 1.000.000 đ đến 5.000.000 đ, theo Dự thảo NĐ sửa đổi, mức phạt sẽ là 2.000.000 đ đến 10.000.000 đ. Hành vi bán hàng không lập hóa đơn theo quy định; thuê tổ chức hoặc cá nhân không đủ điều kiện hành nghề kế toán làm kế toán, làm kế toán trưởng... sẽ bị phạt tới mức tối đa là 30.000.000 đ cho mỗi hành vi sai phạm.

Cần triệt để hơn nữa

Mặc dù đã được cho là mạnh tay hơn, song nhiều ý kiến nghiên cứu cho rằng, Dự thảo NĐ sửa đổi cần triệt để hơn nữa.

Trước hết, cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người làm kế toán. Khoản 1 Điều 1 NĐ 185 quy định về phạm vi áp dụng của NĐ 185 như sau: “Nghị định này quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài hoạt động tại VN (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về kế toán mà không phải là tội phạm và theo quy định của  Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà VN ký kết hoặc gia nhập có quy định khác”. Như vậy, phạm vi áp dụng của NĐ 185 bao gồm cả cá nhân, trong đó có người làm kế toán. Do đó, đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 1 NĐ 185 một hành vi sai phạm cần được xử phạt là: Vi phạm về trách nhiệm của người làm kế toán như không bàn giao sổ sách, chứng từ kế toán khi thôi việc; lợi dụng nghề nghiệp để cung cấp thông tin kinh doanh của DN thu lợi bất chính; giữ chứng từ kế toán của DN để vụ lợi...

Thứ hai, hiện nay, tình trạng lập nhiều hệ thống sổ kế toán xảy ra khá phổ biến trong các DN. Chẳng hạn, có DN có tới ba hệ thống sổ kế toán gồm hệ thống sổ kế toán báo cáo thuế; hệ thống sổ nội bộ (không phải là hệ thống kế toán quản trị theo quy định của Luật Kế toán) và hệ thống sổ để xuất trình cho Ngân hàng khi vay vốn. Sự tồn tại song song nhiều hệ thống sổ kế toán là nhằm trốn thuế, gian lận thuế và cung cấp thông tin sai sự thật để vay vốn ngân hàng. Vì vậy, rất cần coi đó là hành vi vi phạm và có mức xử phạt nghiêm minh.

Thứ ba, Dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung đã bổ sung vào khoản 3 Điều 8 NĐ 185 một hành vi sai phạm là “ Không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên máy vi tính đối với các loại sổ phải in theo quy định hoặc không có đầy đủ chữ ký và đóng dấu theo quy định khi in sổ”. Để thực hiện quy định trên, rất cần một văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ, trong hệ thống sổ kế toán quy định theo Chế độ kế toán DN hiện nay, những sổ nào bắt buộc phải in, ký và đóng dấu ?

Cuối cùng, NĐ số 185 có hiệu lực thi hành đã 6 năm. Tuy nhiên, việc kiểm tra công tác kế toán ở các đơn vị kế toán đã thực hiện như thế nào? Nếu chúng ta chỉ ban hành Nghị định về xử phạt nhưng không kiểm tra, xử phạt và thông báo công khai thì việc ban hành Nghị định chỉ la hình thức. Vì vậy, rất cần một văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các điều 35, 36, 37 và 38 Luật Kế toán về công tác kiểm tra kế toán.

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên - Công ty tư vấn VFAM VN

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Vedan đã chuyển 220 tỷ tiền bồi thường cho dân
  • Dự kiến nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN lên 6 triệu đồng
  • Cho phép tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu
  • Yêu cầu thu hồi nhà đất công dùng sai mục đích
  • Doanh nghiệp siêu nhỏ chưa phải tự in hóa đơn
  • Tiếp tục thu nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng
  • Cuối năm: hàng lậu – hàng giả tung hoành
  • Phạt Vincon vì xâm phạm nhãn hiệu Vincom: Mở ra tiền lệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%