Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhận diện, phòng ngừa Cảnh sát giả như thế nào?

Trong trường hợp giả danh CSGT, đối tượng thường tìm trang phục CSGT thật, cũng có thể bằng các trang phục Cảnh sát khác như trang phục Cảnh sát cơ động, trang phục xanh nõn chuối của các lực lượng nghiệp vụ Cảnh sát, trang bị phương tiện hỗ trợ như dùi cui, gậy điều khiển giao thông, có trường hợp chúng còn làm giả bảng tên đeo ngực.

Lợi dụng việc mất cảnh giác của nạn nhân, một số đối tượng giả danh Cảnh sát để cướp, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này không những gây mất an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng uy tín của lực lượng Cảnh sát (khi nạn nhân không xác định được đó là những kẻ giả danh Cảnh sát). Nhận diện và phòng ngừa loại tội phạm này thế nào?

Mọi hành vi giả danh Cảnh sát là phạm pháp

Tần suất xuất hiện các vụ Cảnh sát rởm (giả danh Cảnh sát) có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Mục đích việc giả danh chủ yếu nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân hoặc cướp, cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đối tượng giả danh Cảnh sát không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà phục vụ lợi ích, động cơ cá nhân khác như nhằm răn đe, khống chế hay ép buộc nạn nhân, người thân của họ phải làm hoặc không làm một việc gì đó theo yêu cầu của chúng.

Bất luận nhằm mục đích gì, việc giả danh Cảnh sát là vi phạm pháp luật, còn hành vi lừa đảo, cướp, cưỡng đoạt tài sản là phạm pháp hình sự. Bọn tội phạm gây nên tình trạng thật giả lẫn lộn và sự hiểu nhầm của quần chúng nhân dân đối với uy tín của lực lượng Công an nhân dân.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích kỹ hành vi giả danh Cảnh sát nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân hoặc thân nhân nạn nhân. Đây cũng là hành vi gây bức xúc dư luận, đặt ra nhiều vấn đề trong phòng ngừa, nhận diện và đấu tranh loại tội phạm này.

Có những dạng giả danh nào?

Qua theo dõi các vụ giả danh Cảnh sát gần đây, có thể thấy những hành vi vi phạm chính như: Giả danh Cảnh sát giao thông (CSGT) để chiếm đoạt tiền thông qua việc giả vờ kiểm tra, xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông; giả danh Cảnh sát hình sự (CSHS) để khống chế, cướp tài sản (thường là xe máy, tài sản khác nạn nhân mang theo); giả danh Cảnh sát kinh tế (CSKT) để lừa đảo (xuất hiện đối với một số công ty kinh doanh nhỏ, lẻ).

Ngoài ra, có trường hợp giả danh một số lực lượng Cảnh sát khác như Cảnh sát môi trường (CSMT), Cảnh sát Quản lý hành chính, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bằng thủ đoạn giả vờ kiểm tra hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, viện cớ phạt tiền hoặc kiểm tra vi phạm về môi trường (đối với doanh nghiệp nhỏ, lẻ thải chất bẩn gây ô nhiễm môi trường).

Trong trường hợp giả danh CSGT, đối tượng thường tìm trang phục CSGT thật, cũng có thể bằng các trang phục Cảnh sát khác như trang phục Cảnh sát cơ động, trang phục xanh nõn chuối của các lực lượng nghiệp vụ Cảnh sát, trang bị phương tiện hỗ trợ như dùi cui, gậy điều khiển giao thông, có trường hợp chúng còn làm giả bảng tên đeo ngực.

Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, nơi "hành sự" của đối tượng thường ở đoạn đường ít người, phương tiện qua lại. Thời điểm thường nhằm vào buổi đêm hoặc rạng sáng.

Chẳng hạn, vụ Nguyễn Văn Dũng, 20 tuổi và Nguyễn Văn Mạnh, 24 tuổi (đều là thanh niên không nghề nghiệp, trú tại xã Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An) lợi dụng đoạn đường vắng tuyến quốc lộ 46, đêm 18/4 đã "hỏi thăm" người đi đường. Hai đối tượng sử dụng còi, gậy dừng xe, một mặc trang phục Cảnh sát màu xanh nõn chuối, một mặc đồ rằn ri, dùng môtô treo biển xanh.

Cá biệt, có trường hợp đối tượng sử dụng nguyên trang phục và mũ đặc chủng của CSGT, gậy điều khiển chuyên dùng, đeo rõ biển hiệu (đối tượng Phan Trung Dương, 25 tuổi, trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội - đến khi bị bắt, Dương khai nhận đã thực hiện trót lọt 3 lần giả danh CSGT để dừng xe, chiếm đoạt tiền của người đi đường). 

Ngoài giả danh CSGT, nhiều vụ đối tượng giả danh CSHS, Cảnh sát cơ động (CSCĐ) để cướp, cưỡng đoạt tài sản. Các vụ giả danh CSHS thường đối tượng không mặc quần áo Cảnh sát nhưng sử dụng thẻ (giả), thủ đoạn phổ biến là: Ép người đi đường, yêu cầu kiểm tra giấy tờ, dụ đến đoạn đường vắng rồi bất ngờ cướp xe; đe dọa, khống chế, yêu cầu nạn nhân thực hiện theo các yêu cầu của chúng.

Điển hình, vụ Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh bắt giữ 2  Bùi Tiến Hà Tuân (22 tuổi, trú tại huyện Bình Chánh) và Nguyễn Văn Huỳnh (26 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh). Thủ đoạn: Đối tượng dùng xe gắn máy treo biển xanh giả, roi điện, súng nhựa dạng K54... đe dọa người đi đường, khống chế cướp xe máy.

Có vụ, đối tượng giả danh CSCĐ, mặc sắc phục Cảnh sát, dùng súng giả, đe dọa và cướp tài sản (tên Đàm Văn Đoàn, 22 tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội) và tên Nguyễn Chí Linh (21 tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội), giả danh CSCĐ, cướp tài sản...

Những vụ giả danh CSKT không phổ biến nhưng cũng đã xảy ra tại một vài địa phương, thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý lo lắng của cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, lẻ để đe dọa, tống tiền.

Có trường hợp giả danh CSMT đòi xử phạt vi phạm môi trường (vụ Công an Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh bắt giữ Ứng Hữu Hồng, 30 tuổi, trú tại Hà Nội và Lê Văn Toàn, 25 tuổi, trú tại Gia Lai, tự xưng CSMT lập biên bản cơ sở tái chế nhớt của anh Trần Trí Dũng tại xã Phong Phú, Bình Chánh và "gợi ý" nộp phạt 5 triệu đồng).

Nhận diện, phòng ngừa bằng cách nào?

Mặc dù đối tượng giả danh Cảnh sát để lừa đảo, cướp, cưỡng đoạt tài sản diễn ra ở mỗi vụ có khác nhau, song nếu có nhận thức rõ về hành vi này, các cá nhân, tổ chức đều có thể phòng, chống loại tội phạm này có hiệu quả. Ở đây, chúng tôi xin nêu các cách nhận diện cơ bản, dựa trên quy luật hoạt động của tội phạm và chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng Cảnh sát.

Thứ nhất, đối với hành vi giả danh CSGT hoặc Cảnh sát khác để "xử phạt" vi phạm trật tự an toàn giao thông: Theo quy định của Bộ Công an, việc tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chủ yếu thuộc CSGT, ngoài ra có sự phối hợp của Cảnh sát trật tư, Công an phường, có địa phương có thêm Công an xã.

Dù là lực lượng Cảnh sát nào, tất cả đều phải mặc trang phục, đeo biển hiệu và khi thực hiện nhiệm vụ đều thực hiện theo tổ công tác từ vài người trở lên. Khi thực hiện kiểm tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, bắt buộc phải có CSGT (các lực lượng khác chỉ hỗ trợ) và chỉ kiểm tra tại các chốt theo kế hoạch (có xe ôtô, có giấy tờ phục vụ việc xử lý).

Theo quy định của Bộ Công an, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, muốn dừng phương tiện để kiểm soát, xe của CSGT phải bật đèn tín hiệu, cán bộ chiến sĩ CSGT phải đứng ở vị trí công khai. Sau khi dừng phương tiện, cán bộ CSGT phải tuân thủ đầy đủ qui trình kiểm tra giấy tờ xe (đăng ký xe), người lái xe (bằng lái), an toàn kỹ thuật (giấy chứng nhận kiểm định), việc chở người, hàng hóa...

Khi lập chốt kiểm soát cố định trên đường phải đặt biển báo hiệu ở hai phía, ban đêm phải có đèn chiếu sáng để đảm bảo việc kiểm soát, xử lý một cách công khai, minh bạch.

Trong khi đó, các đối tượng giả danh CSGT để lừa "xử phạt", chiếm đoạt tài sản cũng có thể có trang phục giống CSGT nhưng thường đi một mình hoặc 2 người trên một xe gắn máy, đuổi theo người đi đường và ép họ đòi "kiểm tra giấy tờ". Các đối tượng thường ép chỗ vắng, hành vi vội vàng và không có biên lai, các hóa đơn tài chính xử phạt.

Theo quy định, việc lập biên bản người vi phạm giao thông chỉ thực hiện tại các chốt kiểm tra hoặc tại trụ sở làm việc chứ không phải đuổi theo vào ngõ ngách và lập biên bản bất cứ nơi đâu.

Từ đó, người đi đường hoàn toàn có thể cảnh giác, nhận diện đối tượng nếu bản thân mình điều khiển phương tiện giao thông không vi phạm hoặc nếu vi phạm nhưng không phải tại chốt kiểm tra. Chỉ trong trường hợp khi vượt qua chốt, không chấp hành mệnh lệnh, CSGT mới có thể đuổi theo để kiểm tra. Mọi trường hợp trong quá trình đi đường, bất ngờ có người ép xe (nhất là đoạn đường vắng, thời gian đêm khuya), dọa phạt tiền... người đi đường đều phải cảnh giác.

Đối với các trường hợp giả danh CSCĐ, CSHS để lừa đảo, cướp, cưỡng đoạt tài sản: Đối với CSCĐ, hiện chỉ thực hiện tuần tra tại các thành phố lớn vào ban đêm. Khi tuần tra, CSCĐ nhất thiết mặc trang phục riêng, đội mũ CSCĐ, đeo biển tên, có các công cụ hỗ trợ như dùi cui, súng, bộ đàm, thường một tổ tuần tra có 4 chiến sỹ, đi trên 2 phương tiện xe gắn máy.

CSCĐ có thể xử phạt người vi phạm giao thông. Riêng CSHS, quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ có thể không mặc trang phục như các lực lượng nói trên. Tuy nhiên, CSHS khi không mặc trang phục, họ không có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát giao thông. Trong mọi trường hợp, nếu thực hiện biện pháp nghiệp vụ, phải mang theo thẻ và xuất trình khi thực hiện nhiệm vụ.

CSHS chỉ làm nhiệm vụ áp sát người đi đường, kiểm tra người và phương tiện khi người đó là đối tượng của vụ phạm pháp hình sự hoặc liên quan đến vụ phạm pháp đó, kể cả đối tượng truy nã. Do đó, trong mọi trường hợp, khi một công dân bình thường, không vi phạm pháp luật hình sự (trộm cắp, lừa đảo, cướp...) mà chỉ vi phạm pháp luật giao thông (không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh...) thì không thể có chuyện CSHS ép xe để "hỏi thăm".

Khi có nghi ngờ, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc các số điện thoại nóng được Công an địa phương công bố để các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý đối tượng vi phạm theo thẩm quyền.


(Theo CAND)

  • Cấm sao chụp tiền Việt Nam khi chưa được phép
  • Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
  • Lợi dụng sân golf để kinh doanh địa ốc
  • Phát hiện thực phẩm giảm béo không rõ nguồn gốc
  • Vietnam Airlines phản đối việc tách Vinapco
  • Nguyên nữ giám đốc lừa đảo chiếm đoạt 6 tỷ đồng
  • Chỉ có gần 20% nhà thuốc của Hà Nội đạt chuẩn GPP
  • Lừa đảo xuất khẩu lao động đi CH Séc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%