Tại hội nghị hướng dẫn tham gia đấu thầu thuốc vào bệnh viện do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức ngày 24-8, phó trưởng ban dược (Bảo hiểm xã hội VN) Nguyễn Thị Yến cho hay thông tư 10/2007 hướng dẫn đấu thầu thuốc vào bệnh viện có nhiều “lỗ thủng”.
Từ đó dẫn đến thiếu sót trong đấu thầu thuốc như xây dựng kế hoạch đấu thầu và dự trù tùy tiện, đưa vào danh mục đấu thầu những quy định về quy cách đặc biệt chỉ một nhà thầu đáp ứng không liên quan đến hiệu quả sử dụng (như yêu cầu thuốc trúng thầu có vỉ màu vàng, 12 viên/vỉ...) mục đích là chỉ định thầu.
Về giá thuốc, bà Yến cho biết các hội đồng thầu chủ yếu căn cứ vào báo giá của đơn vị cung ứng, nên giá trúng thầu nhiều mặt hàng cao. Việc đấu thầu chủ yếu là đấu giá các mặt hàng, thực chất không phải là đấu thầu. Bà Yến cho biết thông tư 01 mới hướng dẫn thực hiện đấu thầu thuốc vào bệnh viện đã có hiệu lực thực hiện hai tháng nay, vá được một số lỗ thủng trong số này, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào thực hiện, thậm chí một số đơn vị đã thực hiện đấu thầu theo quy định cũ và hiệu lực đến hết năm 2013.
Do những lỗ thủng trong quy định tổ chức đấu thầu, Bảo hiểm xã hội VN cho hay có sự chênh lệch giá thuốc bất hợp lý. Theo kết quả đấu thầu thuốc vào bệnh viện năm 2011, thuốc Arginin 200mg của Armephaco trúng thầu vào Bệnh viện hữu nghị VN - Cuba Đồng Hới, Quảng Bình là 650 đồng/viên, trúng thầu vào Bệnh viện T.Ư Huế là 1.100 đồng/viên (chênh lệch 69,2%), thuốc Perabact của Sance (Ấn Độ) trúng thầu vào Đồng Tháp là 18.000 đồng/hộp, vào Cần Thơ là 30.000 đồng/hộp (chênh lệch 66,7%).
Ngoài ra, có hiện tượng một loại thuốc có đến 12 biệt dược trúng thầu, nhưng thực chất chỉ có 3-4 sản phẩm đắt tiền được sử dụng, sản phẩm rẻ tiền chỉ đưa vào danh mục trúng thầu cho đẹp. Tại Hải Phòng, có đến 42 loại biệt dược cùng hoạt chất cefuroxim trúng thầu năm 2011, trong đó riêng cefuroxim 250mg viên có 12 loại trúng thầu, chênh lệch giá giữa loại rẻ nhất và đắt nhất là 2,98 lần. Cũng do đấu thầu chưa phù hợp, biệt dược gốc của nhà phát minh trúng thầu vào Bệnh viện Bạch Mai lại rẻ hơn các thuốc generic (sản xuất theo công thức của nhà phát minh) của Ấn Độ và Hàn Quốc.
LAN ANH// Tuổi Trẻ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com