Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nước sông Ðà đang bị làm ô nhiễm

Bãi rác của TP Hòa Bình không được xử lý, nước rác tự chảy ra sông Đà.
Nhà máy nước Vinaconex, thuộc Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam nằm trên địa bàn xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình),  có công suất 300 nghìn m3/ngày đêm, cung ứng nước sạch cho TP Hà Nội. Nguồn "nguyên liệu" chủ yếu của nhà máy là nước sông Ðà, cần phải được bảo vệ. Tuy nhiên, dòng sông Ðà trong xanh cũng đang gánh chịu ô nhiễm do chính con người gây ra.

 

Một trong những "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước sông  Ðà là Công ty cổ phần bột và giấy Hòa Bình (CP BGHB), trước đây là Nhà máy giấy Kỳ Sơn nằm trên địa bàn xã Dân Hạ, ngay bên bờ sông Ðà và cách Nhà máy nước Vinaconex không xa. Theo thiết kế, dây chuyền sản xuất của Công ty CP BGHB có công suất 4.000 tấn bột giấy/năm, lưu lượng nước thải khoảng 700m3/ngày đêm, chủ yếu từ khâu xeo giấy và nấu bột, rất độc hại, cần phải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Nhưng trên thực tế, nguồn nước thải này đều xả thẳng ra sông Ðà. Người dân trong khu vực nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết, xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty CP BGHB gây ra. Trước bức xúc của cử tri, tại Kỳ họp HÐND tỉnh Hòa Bình cuối năm 2008, Sở Tài nguyên - Môi trường Hòa Bình đã quyết định: Ðến tháng 6-2009, nếu công ty không thực hiện việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường thì sở sẽ báo cáo UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu công ty chuyển đổi loại hình đầu tư khác mà ít phát sinh chất thải. Trên tinh thần đó, Công ty CP BGHB đã được bán cho một công ty của nước ngoài. Tuy nhiên, cuối tháng 5 vừa qua, khi đến làm việc tại công ty, chúng tôi thấy, việc sản xuất ở đây vẫn diễn ra bình thường và nước thải chưa qua xử lý cứ "vô tư" xả thẳng ra sông Ðà. Lý giải về việc này, ông Bùi Hướng Hữu, đại diện công ty nước ngoài cho biết: Hiện tại, công ty đang làm thủ tục bàn giao chuyển nhượng và cho vận hành dây chuyền cũ để theo dõi, cải tạo (?) Góp phần làm ô nhiễm nguồn nước sông Ðà, còn có các cơ sở sản xuất công nghiệp dọc hai bờ con sông này. Trong đó có Công ty Pacific và Công ty chế biến nông lâm sản xuất khẩu Hữu Nghị, đã từng bị lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh Hòa Bình bắt quả tang đổ trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông Ðà.

 

Bãi chứa rác thải của TP Hòa Bình rộng hơn một ha được "quy hoạch tạm" trong một hẻm núi khu dốc Búng, tổ 17, phường Tân Hòa, cách sông Ðà chỉ một con đường, nhưng có một cống nhỏ để nước rác tự chảy ra sông. Bãi rác này hoạt động từ đầu năm 2004, bình quân mỗi ngày tập kết khoảng 200m3 rác, nhưng không được xử lý. Vì thế nơi đây từ một thung lũng xanh thơ mộng, nay trở thành núi rác và tự phân hủy rồi đổ nước thải ra sông Ðà. Không nơi nào lại có được bãi rác "đặc trưng" như ở TP Hòa Bình! Hoặc nếu có dịp đi dọc bờ phải sông Ðà, theo tuyến quốc lộ 6 qua địa phận hai phường Ðồng Tiến, Phương Lâm và lên cảng Bích Hạ vùng lòng hồ sông Ðà, mới thấy con người tận dụng dòng sông Ðà để làm "bãi rác" như thế nào. Mọi thứ do con người thải loại ra đều đổ xuống sông. Chỉ tính riêng nước thải sinh hoạt lên tới con số 8.000m3/ngày đêm.

 

Khi được hỏi về vấn đề này, Chi cục trưởng Môi trường tỉnh Hòa Bình Phạm Duy Ðức thừa nhận, việc xả rác bừa bãi ra sông Ðà của một số đơn vị, doanh nghiệp và người dân như hiện nay làm cho dòng sông này bị ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện mức độ ô nhiễm chưa rõ ràng vì lưu lượng nguồn nước của sông Ðà khá lớn. Song không vì thế mà buông lỏng về mặt quản lý đối với việc giữ gìn môi trường và bảo vệ tài nguyên nước quý giá này. Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; không xả rác thải bừa bãi ra môi trường chung quanh hoặc đổ xuống sông. Trong phạm vi của mình, Chi cục Môi trường Hòa Bình tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Qua đó phát hiện, xử lý những cơ sở vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Ðồng thời, tiến hành các đợt quan trắc môi trường, lấy đó làm cơ sở thực tế để tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình những giải pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả nhất. Mới đây, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động hai cơ sở cố tình không chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường. Mặt khác, tỉnh Hòa Bình cũng đang có chủ trương chuyển hai nhà máy giấy Hữu Nghị, Sông Ðà; nhà máy mía đường... ra địa điểm mới hợp lý hơn. Những dự án đầu tư mới phải được xem xét kỹ về việc bảo đảm môi trường.

 

Tuy nhiên, theo chúng tôi, những động thái về việc bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ nguồn nước sông Ðà của địa phương còn chậm. Không thể chấp nhận tình trạng cơ sở sản xuất liên tục xả nước thải ra sông Ðà suốt gần 50 năm nay mà không bị xử lý. Một trong những việc làm cấp thiết hiện nay là TP Hòa Bình cần xử lý ngay "núi rác" tại dốc Búng.

(Theo báo Nhân dân điện tử)

  • DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã thu tiền trước: Phải kê khai tiền hoàn thuế
  • Yêu cầu 82 DN khai báo số máy tính và giấy phép sử dụng phần mềm
  • Quy định xử phạt đối với hành vi găm hàng, tăng giá quá mức
  • Được cầm cố giấy tờ có giá phát hành bằng ngoại tệ
  • Phát hiện và bắt giữ 7 tấn gà lậu
  • Các thủ tục để chuyển thuế GTGT khi dự án đầu tư thành lập một pháp nhân riêng
  • Công ty Dịch vụ giải trí Hồ Tây xả nước thải vào Hồ Tây
  • Phá đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%