Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quan tòa cũng... ngán

Được cho phép nói lời sau cùng, bị cáo T.T.S bị xét xử về tội cướp tài sản cúi đầu thật thấp, rưng rưng nước mắt rồi bắt đầu... trả bài:

- Bị cáo rất hối hận về việc làm của mình. Bị cáo xin hứa đây là lần phạm tội cuối cùng, xin HĐXX cho bị cáo mức án thấp nhất để trở về xã hội làm một người tốt...

Nhìn S. một hồi lâu, vị chủ tọa nhíu mày:           

- Mấy năm trước, cũng tại tòa như thế này, bị cáo cũng đã hứa với tôi như vậy, rất thành khẩn, hối hận. Vậy mà ra tù chưa bao lâu, bị cáo lại phạm tội cũ. Làm sao tin bị cáo đây?

Thấy “cố nhân” nhớ quá chi tiết, S. đành im như thóc, chấp nhận mức án 6 năm tù với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần và tái phạm nguy hiểm.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều “tình huống bất ngờ” thường gặp trong các phiên tòa hình sự khiến bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX, người dự khán... đôi khi cười ra nước mắt.

Có một lần, TAND TPHCM xét xử phúc thẩm vụ án đánh bạc theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Sau khi kết thúc phần thủ tục, vị chủ tọa đã phải dừng phiên tòa ít phút để nhắc nhở bị cáo nữ phải ăn mặc nghiêm túc khi ra tòa, thể hiện cách cư xử có văn hóa và không gây phản cảm đối với HĐXX. Nghe đến đó, người nhà của bị cáo lẳng lặng bước ra ngoài, sau đó đi thẳng lên vành móng ngựa vừa xin phép chủ tọa ngừng xét hỏi vừa... gài chiếc kim băng lên ngực áo bị cáo cho... kín đáo.

Dễ gây nên tình huống... cười nhất dù phiên tòa đang diễn ra trong không khí căng thẳng là khi các bị cáo quanh co chối tội với những lý do thật phi lý.

Có bị cáo mua bán ma túy bị bắt quả tang, sau một lúc nói “vòng vo tam quốc”, đã đổ thừa vì “gây lộn với bạn gái, buồn bực nên nhận lời bán ma túy luôn”.

Có bị cáo là con nghiện lâu năm, không có việc làm, sống lang thang trên đường phố nhưng trước câu hỏi lấy đâu ra tiền từ 50.000 đồng-100.000 đồng mỗi ngày để mua heroin, đã trả lời “tỉnh khô”: “Dạ, bị cáo xin... bạn bè”.

Hoặc câu hỏi: “Đây là lần thứ mấy bị cáo chặn đường cướp giật?”, đa số các bị cáo đều có chung một công thức: “Dạ, mới... lần đầu”, trong khi hành vi cướp lại rất chuyên nghiệp và nhân thân có không ít lần vào khám.

Với loại tội giết người bằng phương thức dùng dao hoặc các hung khí khác, các bị cáo thường kêu oan, cho rằng chỉ “quơ” chứ không chém hay đánh, không ngờ gây hậu quả chết người.

Thế nhưng khi bị truy tới cùng: “Quơ gì mà vết thương trí mạng như vậy?” hoặc “Vì sao đâm bị hại nhiều nhát?” thì họ lí nhí trả lời: “Dạ, bị cáo không biết”, “Tại sợ quá nên... đâm liên tục”.

Ở các phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo thường viện lý do “gia cảnh quá khó khăn, con nhỏ, vợ thất nghiệp, cha mẹ già yếu, nếu bị cáo ở tù thì không ai nuôi họ, xin HĐXX xem xét, thương tình cho mức án thấp nhất” mà quên mất chuyện chính vì họ gây nên tội lỗi mà cha mẹ, vợ con đã khổ càng thêm khổ.

Cũng có bị cáo sau khi trình bày “gia đình có công với cách mạng”, được hỏi lại có công như thế nào, ai là người có công thì thủng thẳng trả lời: “Bị cáo làm sao biết được vì... lúc đó chưa được sinh ra”.

Thậm chí có bị cáo còn... không thèm nhớ cả họ tên của người thân mà mình đang cậy nhờ công lao của họ, khiến cho nhiều vị thẩm phán phải ngao ngán lắc đầu.

Một chuyện không hiếm gặp ở các phiên tòa hình sự là việc bồi thường dân sự. Bỏ qua những vụ án mà bị cáo sẵn sàng bồi thường theo yêu cầu của bị hại hoặc gia đình bị hại, còn lại phần “dàn xếp” dân sự này đôi khi lại chiếm rất nhiều thời gian.

Có bị cáo nhất quyết hơn thua với tòa trong việc định giá tài sản vì cho rằng “tính như tòa thì đắt quá, tiền đâu bị cáo bồi thường được?” và “xin tòa tính toán lại, bớt chút đỉnh...”.

Có bị cáo sau khi nghe gia đình bị hại yêu cầu tiền bồi thường bao gồm chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng, tiền tổn thất tinh thần... đã toát mồ hôi hột rồi phó mặc cho tòa “muốn tuyên sao thì tuyên chứ gia đình bị cáo không có khả năng, còn bị cáo thì đang ngồi tù, làm sao có tiền mà bồi thường cho người ta được?”.

Tất nhiên cũng có bị hại hoặc đại diện của họ vì còn ấm ức với bị cáo hoặc vì lý do nào đó đã nêu yêu cầu bồi thường thật cao, kể cả những chi phí sẽ có trong tương lai như đi làm thẩm mỹ chẳng hạn, khiến cho không chỉ bị cáo quá “khớp” mà HĐXX cũng tròn mắt ngạc nhiên, như vụ án giết người vì nẹt pô, rọi đèn xe.

Được mời lên, mẹ nạn nhân khóc lóc, kể lể rồi thẳng thừng yêu cầu các bị cáo phải cấp dưỡng cho bà mỗi tháng 2.800 USD và 50 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần chỉ vì: “Tôi sống ở Mỹ, không phải ở VN nên phải tính toán cho phù hợp với cuộc sống bên đó”.

Dĩ nhiên, tòa chẳng thể chiều ý bà mà phải căn cứ theo pháp luật VN để quyết. Nhưng trước đó tòa cũng phải tốn bộn thời gian, công sức để giải thích cặn kẽ cho một người đang cố tình làm khó bị cáo và cả HĐXX.

(Theo Thanhnien online)

  • Sản xuất phân bón giả sẽ bị phạt 130 triệu đồng
  • Xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD6
  • Quỹ nhà ở xã hội: Ôm đất, đầu cơ dự án?
  • Sử dụng độc tố để "làm đẹp trái cây"
  • Bắt 'ông trùm' đường dây sản xuất tân dược giả
  • Điểm mới trong bán đấu giá tài sản
  • Làm tiền nhờ kẽ hở chính sách
  • Xây to chềnh ềnh... để làm gì?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%