Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Thay tên đổi họ” có mạnh lên?

DNNN sẽ phải chuyển đổi thành Cty TNHH một thành viên (ảnh: Cty TNHH một thành viên cảng Cái Lân - một trong những DNNN hoạt động hiệu quả sau chuyển đổi)

Từ 1/7/2010, Luật DNNN sẽ hết hiệu lực, toàn bộ các DNNN hiện tại sẽ phải chuyển đổi hình thức để hoạt động phù hợp với quy định của Luật DN. Chỉ còn vẻn vẹn chưa đầy một tuần nhưng số DN phải “đổi tên” vẫn còn nhiều thắc mắc. 

Được biết, ngày 19/3/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP "về việc chuyển đổi các DNNN thành Cty TNHH một thành viên và việc tổ chức, quản lý Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu" (NĐ25) thay Nghị định số 95/2006/NĐ - CP (NĐ 95). NĐ 25 có hiệu lực thi hành từ 5/5/2010. Từ ngày đó tới 1/7/2010 chỉ vẻn vẹn 55 ngày theo lịch. Trong thời gian đó, sẽ phải chuyển đổi hơn 1.500 DNNN thành Cty TNHH một thành viên, tức là mỗi ngày phải hoàn thành thủ tục chuyển đổi cho ít nhất 27 DN !

Không dừng lại ở con số 1.500 DN

Không dừng lại ở hơn 1.500 DN "nợ chuyển đổi", NĐ 25 còn mở rộng diện chuyển đổi sang các lĩnh vực khác. So với NĐ 95, đối tượng chuyển đổi theo NĐ 25 bao gồm cả "Cty nông nghiệp, Cty lâm nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh". Như vậy, số lượng các DN thuộc diện phải chuyển đổi tăng lên đáng kể.

Về điều kiện được chuyển đổi, NĐ 25 cũng thay đổi theo hướng mở rộng hơn nữa đối tượng chuyển đổi. Theo Nghị định 95, một trong những điều kiện quan trọng để được chuyển đổi là "Có mức vốn điều lệ không thấp hơn 30 tỷ đồng đối với Cty nhà nước độc lập hoặc đơn vị hạch toán phụ thuộc của TCty, của Cty mẹ và 500 tỷ đồng đối với Cty mẹ". Điều kiện nêu trên đã được xoá bỏ trong NĐ 25 và do đó, những DN thuộc diện phải chuyển đổi lại tăng lên hơn nữa. Việc chuyển đổi theo NĐ 25, với một khối lượng công việc khá đồ sộ, là rất nặng nề. Song, suy cho cùng, những việc phải làm để chuyển đổi chỉ là các thủ tục hành chính. Vì vậy, các cơ quan quản lý, các DN có liên quan vẫn có thể "hoàn thành kế hoạch" và sau 1/7, phần lớn DNNN sẽ được "thay tên, đổi họ". Câu hỏi quan trọng hơn và cần phải giải đáp là: liệu các DNNN có mạnh lên hơn sau khi "thay tên, đổi họ"? Câu trả lời là: chưa thể ! Bởi lẽ, "Cty TNHH" chỉ là hình thức bề ngoài. Bản chất của những DN này vẫn là DNNN với những cơ chế, phương thức quản lý như cũ.

Mục tiêu của việc chuyển đổi hình thức sở hữu của các DNNN là huy động vốn từ các thành phần kinh tế; thay đổi phương thức quản trị DN; đổi mới công nghệ... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN - những tế bào quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Sự "thay tên, đổi họ" cho các DNNN như nêu trên sẽ không thể đáp ứng được mục tiêu đã nêu. Hơn nữa, về nguyên tắc, các DNNN thuộc diện cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, sau khi đã chuyển thành Cty TNHH một thành viên phải tiếp tục thực hiện việc cổ phần hoá. NĐ 25 quy định: "DN quy định tại khoản 3 điều này (DN thuộc diện cổ phần hoá) sau khi chuyển thành Cty TNHH một thành viên phải tiếp tục chuyển thành Cty cổ phần theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt". Điều đó có nghĩa là, đối với những DN thuộc diện cổ phần hoá, việc chuyển thành Cty TNHH một thành viên chỉ là một bước "quá độ", với cam kết đã ký khi gia nhập WTO.

Việc cổ phần hoá các DNNN đã triển khai từ năm 1993 đến nay và chưa năm nào chúng ta hoàn thành kế hoạch theo "lộ trình quy định". Điều đó có rất nhiều nguyên nhân từ nhận thức tư tưởng đến hành lang pháp lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Những nguyên nhân đã được chỉ ra trong nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo và báo cáo tổng kết của cơ quan quản lý, cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Song, khi các thủ tục để "thay tên, đổi họ" các DNNN để "thực thi" cam kết khi gia nhập WTO, chắc chắn sẽ xuất hiện tâm lý yên tâm và coi các Cty TNHH một thành viên là điểm dừng trong quá trình cải cách nền kinh tế. Từ đó, rất có thể, tốc độ cổ phần hoá các Cty TNHH một thành viên lại rơi vào tình trạng "rùa bò" như những năm trước đây và không có cá nhân hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Làm sao xóa bình mới, rượu cũ”?

Cần phải khẳng định rằng, mục tiêu trong cải cách các DNNN của chúng ta không phải là tạo ra những chiếc "bình mới" mà bên trong vẫn là chất "rượu cũ". Vì vậy, không thể "kê cao gối ngủ" sau khi đã "thay tên, đổi họ" cho các DNNN. Có những việc cần được giải quyết ngay như sau:

Trước hết, về nhận thức tư tưởng, cần làm rõ khái niệm về "tư nhân hoá". Cổ phần hoá DN là một trong những phương thức để chuyển đổi hình thức sở hữu của DN. Khi Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp thì đương nhiên, DN sẽ chuyển chủ sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân. Hơn nữa, không một tài liệu nghiên cứu nào chỉ ra rằng tư nhân hoá là xấu khi việc "tư nhân hoá" được thực hiện đúng luật và minh bạch. Ngược lại, ở hầu hết các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, không thể và không nên "dị ứng" với cụm từ "Tư nhân hoá".

Thứ 2, cần nghiên cứu, tổng kết đánh giá những nguyên nhân cơ bản làm chậm tiến trình cổ phần hoá DNNN trong thời gian trước đây. Trên cơ sở đó, đề xuất những biện pháp tháo gỡ những "nút thắt" đối với chương trình quốc gia đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến việc cổ phần hoá DNNN trước đây và các Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu lại liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành. Chẳng hạn, việc xác định giá trị DN khi cổ phần hoá thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính; việc xác định giá trị đất - thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; chính sách đối với người lao động - thuộc bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chính sách về tín dụng - thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam... Do đó, rất cần một "nhạc trưởng", phối hợp hành động và giám sát kết quả trong công tác này. Ban Đổi mới và phát triển DN thuộc Văn phòng Chính phủ là cơ quan phù hợp nhất để đảm nhận vai trò "Nhạc trưởng" của Chương trình.

Thứ 3, ban hành mới hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hoá, chuyển đổi hình thức sở hữu đối với các Cty TNHH một thành viên hình thành sau chuyển đổi. Bởi lẽ, những văn bản trước đây, về nguyên tắc là đã hết hiệu lực thi hành.

Thứ tư, Quốc hội cần đưa việc giám sát thực hiện cổ phần hoá các Cty TNHH một thành viên vào chương trình giám sát của mình. Để thực hiện được chức năng giám sát có hiệu quả, rất cần một Nghị quyết của Quốc hội về yêu cầu, lộ trình của việc cổ phần hoá các Cty TNHH một thành viên và những biện pháp ngăn chặn tình trạng né tránh cổ phần hoá thông qua việc "thành lập Tập đoàn" hoặc "gia nhập Tập đoàn".

Thứ 5, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề nghị Chính phủ  khẩn trương có văn bản quy định về lộ trình thực hiện việc cổ phần hoá các Cty TNHH một thành viên sau ngày 1/7/2010. Trong đó, cần ban hành mới hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hoá, chuyển đổi hình thức sở hữu đối với các Cty TNHH một thành viên hình thành sau chuyển đổi. Bởi lẽ, những văn bản trước đây, về nguyên tắc là đã hết hiệu lực thi hành;

Thứ 6, để đảm bảo hình thành một hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, việc chuyển đổi hình thức sở hữu các DN không chỉ giới hạn đối với các Cty TNHH một thành viên mà còn bao gồm cả các DN thuộc các đoàn thể, các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu. Vì vậy, cần có ngay những quy định về cổ phần hoá các DN, các đơn vị nêu trên. Đã đến lúc không thể thừa nhận tình trạng có một bộ phận DN đang hoạt động kinh doanh trên thương trường nhưng lại nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật DN.

Chuyển đổi hình thức sở hữu, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các DN là yêu cầu quan trọng và cấp bách nhất ở nước ta từ nhiều năm qua. Những năm trước đây, mặc dù có "mốc giới" là 1/7/2010 nhưng việc chuyển đổi hình thức sở hữu của các DNNN vẫn không đạt yêu cầu. Vì vậy, sau khi đã trở thành Cty TNHH một thành viên và về hình thức là đã thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật DN thì lực cản trong việc chuyển đổi sẽ nhiều hơn. Nếu không chỉ đạo quyết liệt, việc cổ phần hoá các Cty TNHH một thành viên sẽ không thể về đích đúng hạn. Từ đó, nền kinh tế VN sẽ khó có thể được thừa nhận là nền kinh tế thị trường theo lô trình đã cam kết khi gia nhập WTO.

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH tư vấn VFAM VN

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%