Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thiếu chế tài cho sự trung thực

Làm thế nào để "bắt" lỗi không trung thực trong công bố thông tin của DN là việc của người làm luật, nhưng với nhà đầu tư, đây là loại lỗi quá nặng, bởi mỗi động thái thông tin của DN đều ngay lập tức được phản ánh vào giá, tức là ngay lập tức ảnh hưởng đến giá trị tài sản (chứng khoán) của họ.

Trong thư gửi đến Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, NĐT Nguyễn Thanh Hùng tại số 03A3, Đinh Bộ Lĩnh, P.26, quận Bình Thạnh, TP. HCM đã viết: "Tôi là một trong số các NĐT nhỏ, tôi mong muốn đầu tư theo sự nhận định riêng của mình, nhưng không thể làm được vì thông tin về các DN rất méo mó: DN làm ăn có lợi nhuận tốt thì thông báo lỗ hoặc giảm bớt kế hoạch lợi nhuận; DN thua lỗ thì báo cáo lời và tăng kế hoạch lợi nhuận. Có DN ém lợi nhuận hay thua lỗ của quý này sang quý khác... Điều này làm cho NĐT phán đoán sai lệch khi mua bán chứng khoán. Bên cạnh đó, tình trạng làm giá chứng khoán của các đại gia diễn ra hàng ngày dưới sự trợ giúp đắc lực của một số CTCK. Tại sao cơ quan quản lý TTCK không xử lý tình trạng này? Trong khi chúng tôi phải thực thi trách nhiệm đóng thuế trong mọi giao dịch trên thị trường thì việc thực thi trách nhiệm bảo vệ NĐT nhỏ của cơ quan quản lý chỉ thấy nói chứ không thấy làm".

Sau khi nêu những vấn đề trên, NĐT Hùng cho rằng, cần phải phạt tù những người có liên quan và tước quyền tham gia TTCK vĩnh viễn với các DN báo cáo láo. Thực tế, vấn đề ông Hùng nêu không chỉ là sự bức xúc của riêng ông, mà là nỗi bức xúc chung của nhiều nhà đầu tư muốn kiếm tiền một cách chân chính trên TTCK. Tuy nhiên, đáp lại những bức xúc này hiện là một khoảng trống. Khoảng trống do quy định hiện hành không có chế tài nào xử tội DN không minh bạch, không trung thực trong các báo cáo công bố đến NĐT.

Trước hết bàn về nghĩa vụ công bố thông tin của DN. Hiện theo quy định tại Thông tư 09/2009/TT-BTC, một DN niêm yết phải thực hiện 3 loại nghĩa vụ công bố thông tin căn bản, đó là thông tin định kỳ (hàng quý, bán niên và cả năm), thông tin bất thường (khi xảy ra những sự kiện lớn, có ảnh hưởng trọng yếu đến DN) và thông tin theo yêu cầu (khi Sở GDCK hoặc UBCK yêu cầu). Trong 3 loại nghĩa vụ này, nghĩa vụ DN phải thực hiện nhiều nhất và có ảnh hưởng thường xuyên đến TTCK là nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ. Trong nghĩa vụ này, DN chỉ có thêm một nghĩa vụ nhỏ nữa là phải giải trình kết quả kinh doanh hàng quý, nếu kết quả của quý hiện tại có sự chênh lệch trên 5% so với quý cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc DN có kết quả thật là lỗ trong khi trước đó công khai con số dự kiến lãi, thậm chí lãi lớn, hay việc báo cáo kiểm toán BCTC của DN ra kết quả lỗ nặng, trong khi báo cáo KQKD mà DN tự công bố trước đó ghi nhận lãi lớn, lại không thuộc diện bắt buộc phải giải trình (tức là DN có cố tình làm như vậy cũng… không sao?). Việc một số DN giải trình gần đây (như Vinaconex giải trình việc từ lãi trên 350 tỷ đồng năm 2009 sau kiểm toán chỉ còn lãi 5 tỷ đồng) chỉ là do Sở GDCK thấy 2 con số lợi nhuận trên có sự chênh lệch lớn nên yêu cầu DN làm. Nếu Sở không yêu cầu, DN sẽ chẳng có nghĩa vụ phải giải thích gì với NĐT cả.

Về trách nhiệm pháp lý của DN trước các thông tin công bố, theo quy định tại Nghị định 36/2007/NĐ-CP và cả dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36 đang được UBCK công bố trên website để lấy ý kiến, đều không có dòng nào bắt lỗi về loại vi phạm khi DN thiếu trung thực trong công bố thông tin ra thị trường. Các lỗi vi phạm mà 2 văn bản trên đề cập chỉ là vi phạm quy định về hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng; vi phạm quy định về nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng; vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán; vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán… Chỉ có 1 loại vi phạm được đề cập trong 2 văn bản trên có vẻ bao trùm hành vi không trung thực khi công bố thông tin của DN là vi phạm quy định về thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, với những DN không trung thực khi công bố thông tin không phải vì để thao túng giá chứng khoán, mà vì mục đích khác thì sao? Phải chăng tội không trung thực khi công bố thông tin của DN không phải là tội lớn, nên không bị bắt lỗi và không có chế tài cho hành vi này?

Làm thế nào để "bắt" lỗi không trung thực trong công bố thông tin của DN là việc của người làm luật, nhưng với nhà đầu tư, đây là loại lỗi quá nặng, bởi mỗi động thái thông tin của DN đều ngay lập tức được phản ánh vào giá, tức là ngay lập tức ảnh hưởng đến giá trị tài sản (chứng khoán) của họ. Thị trường càng lớn càng cho thấy DN có nhiều thủ thuật để biến báo số liệu tài chính trước công chúng, trước nhà đầu tư. Trách nhiệm của kiểm toán chỉ là ở chỗ kiểm tra, xác thực lại sự trung thực của DN trong việc ghi nhận các hoạt động kinh doanh bằng con số kế toán. Chỉ có DN là chủ thể duy nhất nắm thông tin thật, làm chủ sự trung thực, nhưng để sự trung thực đến với nhà đầu tư thì cần phải có chế tài.

Càng nhiều DN cho thấy sự bất nhất về số liệu tài chính càng khiến nhà đầu tư thấy rằng, TTCK giống như một canh bạc, chứ không phải một cuộc chơi của trí tuệ giữa những người tham gia.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%