Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu thuế nhà: Thuế sẽ… chồng thuế

Nhà ở là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân. Nó được tạo dựng từ thu nhập mà người dân đã đóng thuế thu nhập cá nhân. Khi xây dựng nhà, tất cả vật liệu xây dựng từ sắt, thép, xi măng… đều đã có thuế. Vậy tại sao người dân phải đóng thuế đối với nhà? Đó là ý kiến được tranh cãi nhiều nhất tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Thuế nhà, đất do Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 19-1.

Chưa chống được đầu cơ

Đối với thuế đất, dự thảo quy định theo biểu thuế lũy tiến: diện tích trong hạn mức (do UBND cấp tỉnh quy định) có mức thuế suất 0,03%/m²/năm; vượt hạn mức nhưng không quá 1 lần là 0,06%/m²/năm và vượt hạn mức trên 1 lần là 0,1%/m²/năm. Đối với đất xây nhà nhiều tầng, nhà chung cư thì mức thuế suất là 0,03%; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp vẫn 0,03% nhưng nếu đất sử dụng sai mục đích hoặc chưa sử dụng thì áp thuế 0,5%.

Nhiều ý kiến đề nghị không tính thuế sử dụng đất trong hạn mức quy định và ngược lại, nâng mức thuế đối với đất không sử dụng, như hiện nay nhiều người không có nhu cầu sử dụng vẫn mua đất để đầu cơ. Bởi “mục đích của chúng ta là chống đầu cơ chứ không chống đầu tư” – TS-LS Lê Nết nói.

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa chỉ ra thêm: “Dự thảo chỉ mới tính đến đất ở, còn đất kinh doanh - đang là vấn đề nóng - lại chưa được đề cập đến. Tình trạng buôn bán dự án của các chủ đầu tư như chạy dự án rồi bán lại, gây xáo trộn thị trường lại không có giải pháp khả thi chống tình trạng này. Ngoài ra, nhiều cơ quan nhà nước được cấp đất nhưng không có nhu cầu sử dụng, găm đất, gây lãng phí vẫn không được dự thảo luật này điều chỉnh”.

Thống nhất quan điểm này, TS Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội) cho rằng: “Tính thuế đối với đất đầu cơ rồi bỏ hoang là cần thiết nhất”. LS Hoàng Văn Sơn cũng đề nghị tăng mức thuế suất đối với đất không đưa vào sử dụng để chống đầu cơ.

Đối với nhà ở, dự thảo đưa ra 3 phương án tính thuế như sau: Phương án 1, tính thuế theo diện tích nhà ở, tức nhà có diện tích trên 200m² mới tính thuế; phương án 2, tính thuế dựa trên giá trị nhà ở, tức nhà có giá trị vượt 1 tỷ đồng thì tính thuế phần vượt và phương án 3 là chỉ thu thuế đối với căn nhà thứ 2 trở đi.

LS Trịnh Minh Tân cho rằng, tính thuế theo giá trị hoặc diện tích căn nhà là không khả thi và không công bằng. Ví dụ, nhà ở quận 1, 3 rất nhỏ vẫn trên 1 tỷ đồng, trong khi ở các quận khác thì nhà to nhưng giá thấp. Nếu tính theo số lượng căn nhà cũng không được, vì người có 2 nhà nhỏ phải đóng thuế, trong khi người có một nhà to lại không đóng thuế.

 “Nếu tính thuế căn nhà thứ 2 trở đi, có nghĩa là Việt kiều không thuộc đối tượng chịu thuế, vì Luật nhà ở quy định Việt kiều chỉ được mua một căn nhà”- LS Nguyễn Văn Bình nói. Trong khi đó, Việt kiều có thể có nhiều nhà ở các nước khác.

Thuế chồng thuế?

Đối với nhà ở, không ít ý kiến đề nghị không nên tính thuế. “Ở các tỉnh kém phát triển còn khuyến khích, mời gọi đầu tư, mà chúng ta lại xây dựng thành luật quản lý nhà ở (chủ yếu là tính thuế đối với nhà chung cư, đặc thù ở một vài thành phố) để áp dụng thống nhất trên cả nước là chưa cần thiết” – PGS-TS Phạm Duy Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện (UBMTTQ phường 4, quận 5) thì lý giải rằng, nhà ở được tạo dựng từ thu nhập mà người dân đã đóng thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp), lúc xây dựng cũng đã sử dụng các vật liệu sắt, thép, xi măng… đều đã có thuế, nếu giờ phải đóng thêm thuế nhà ở nữa có nghĩa là thuế chồng thuế! Ngược lại, nếu người dân nào dùng nhà ở để cho thuê hoặc kinh doanh thì họ đã đóng các loại thuế của việc cho thuê nhà rồi.

Ông Lê Văn Tứ (chuyên viên kinh tế) cũng đề nghị không đóng thuế đối với nhà. Theo ông, nhà là tài sản, là vật sử dụng, khi người dân sử dụng thì tài sản này hao mòn đi chứ không sinh lợi thì tại sao phải đóng thuế?

Ngoài ra, LS Nguyễn Đăng Liêm cho rằng nếu đóng thuế nhà thứ 2 sẽ không quản lý nổi, bởi cơ quan quản lý chưa ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý liên thông, phải phụ thuộc vào đối tượng chịu thuế tự kê khai, mà khai gian thì càng thêm… rối!

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng, việc quản lý đất đai phải là của Sở TN-MT, chứ cơ quan thuế không thể vừa thu, vừa quản. Vì vậy, cần phải thực hiện liên kết, liên thông, ứng dụng thông tin mới có thể quản lý và thu thuế đạt hiệu quả.

(Theo Hàn Ni - Phong Lan // SGGP online)

  • Lừa tiền bằng... con dấu đỏ
  • Kêu oan, khai tiền hậu bất nhất
  • Miễn thuế TNCN từ tiền lương của lực lượng vũ trang
  • Cuối năm hàng lậu về ồ ạt
  • Vi phạm về đất đai ở hầu hết các địa phương
  • Cấm in vàng mã nhái theo mẫu tiền polymer
  • Tăng 7 lần mức xử phạt đối với vi phạm pháp luật về môi trường
  • Phòng chống tham nhũng sẽ quyết liệt hơn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%