Mắc áo thép Việt Nam đang bị khởi kiện bán phá giá tại Mỹ - Ảnh: TL. |
Đã có 10 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mắc áo thép của Việt Nam tập hợp cùng thuê luật sư chuẩn bị hồ sơ theo đuổi vụ khởi kiện điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo thép Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.
Thông tin trên được luật sư Đinh Ánh Tuyết, Văn phòng Luật sư IDVN - người đang tham gia cùng 10 doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ cho vụ kiện trên - cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 31-1.
Theo luật sư Tuyết, đây là vụ kiện liên quan đến ngành sản xuất mắc áo thép của 2 nước nên tất cả các doanh nghiệp có xuất khẩu mặt hàng này tích cực tham gia chuẩn bị hồ sơ.
“Nếu doanh nghiệp không tích cực chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để theo vụ kiện này thì khả năng doanh nghiệp xuất khẩu mắc áo thép trong nước sẽ bị áp mức thuế rất cao (theo đơn kiện của nguyên đơn thì mức thuế có thể lên đến 100%) tương tự như vụ kiện sản phẩm túi nhựa PE của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ từng xảy ra hồi năm 2009”, luật sư Tuyết cho hay.
Ngày 18-1 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo chính thức điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài Việt Nam, mắc áo thép từ Đài Loan cũng bị DOC điều tra chống bán phá giá trong lần khởi kiện này.
Việc điều tra được khởi xướng sau khi một số nhà sản xuất mắc áo thép lớn của Mỹ như M&B Metal Products Company, Innovative Fabrication LLC / Indy Hanger và US Hanger Company có đơn kiện các sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam và Đài Loan được hưởng trợ cấp và bán phá giá vào thị trường Mỹ.
Đây là lần thứ ba trong 3 năm trở lại đây, sản phẩm của Việt Nam vừa bị kiện chống bán phá giá vừa bị kiện chống trợ cấp tại thị trường Mỹ. Đầu tiên là vụ túi nhựa PE bị kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá vào năm 2009, kế đến là vụ sản phẩm ống thép của Việt Nam bị kiện đồng thời chống trợ cấp và chống bán phá giá tại Mỹ hồi năm ngoái và giờ đến lượt sản phẩm mắc áo thép. |
Theo thông tin đăng trên trang báo điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, đây là vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp thứ ba của các doanh nghiệp Mỹ kiện sản phẩm của Việt Nam, tiếp tục trở thành điều gây tranh cãi do đồng thời kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá sử dụng phương pháp đối với nền kinh tế phi thị trường.
Sau khi khởi xướng điều tra, cơ quan DOC của Mỹ sẽ đưa ra phán quyết sơ bộ vào tháng 6, tiếp theo đó, Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng để áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mắc áo thép Việt Nam kể từ tháng 7 năm nay.
Theo Bộ Công Thương, một số chương trình bị phía Mỹ cáo buộc là trợ cấp gồm chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu, miễn/giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ theo chương trình xúc tiến xuất khẩu, ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …
Theo nhận định của luật sư Tuyết, mặc dù trong vụ kiện túi nhựa PE năm 2009 phía Mỹ đã đưa ra rất nhiều chương trình cáo buộc doanh nghiệp hưởng trợ cấp nhưng cuối cùng qua điều tra đã kết luận chỉ có 2 chương trình trợ cấp mà thôi.
“Mặc dù vậy, khi đó cuối cùng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhựa PE của Việt Nam cũng bị đánh thuế cao không phải vì được hỗ trợ nhiều mà chính là hồ sơ theo vụ kiện không đáp ứng được yêu cầu của DOC. Khâu chuẩn bị hồ sơ là cực kỳ quan trọng, cũng giống như khi đi thi mà bị phạm quy là sẽ bị đánh rớt dù có làm bài tốt đến mấy”, luật sư Tuyết cho hay.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com