“Với thời gian ân hạn thuế lên tới 9 tháng, sau khi nhập khẩu, doanh nghiệp bán toàn bộ hàng hoá hoặc tự giải thể, thì cơ quan quản lý thuế mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí thể truy thu thuế cho ngân sách”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết.
Theo ông Ninh, tất cả các nước trên thế giới sử dụng sắc thuế giá trị gia tăng đều quy định, thanh toán qua ngân hàng là một trong những điều kiện tiên quyết để được hoàn thuế, khấu trừ thuế. Còn ở Việt Nam, theo Luật Thuế giá trị gia tăng, giá trị hàng hoá, dịch vụ thanh toán dưới 20 triệu đồng không cần phải thanh toán qua ngân hàng cũng được xem xét hoàn thuế, khấu trừ thuế.
“Cũng như việc miễn, giảm thuế được quy định tại nhiều sắc thuế khác nhau, việc khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp không thanh toán qua ngân hàng, nếu giá trị thanh toán dưới 20 triệu đồng, đang bị một số đối tượng lợi dụng để gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế, khiến cơ quan quản lý thuế cứ phải chạy theo doanh nghiệp để truy thu tiền thuế hoặc phải giám sát xem đối tượng được miễn, giảm thuế có sử dụng hàng hoá được miễn, giảm đúng mục đích hay không”, ông Ninh bức xúc và cho rằng, muốn đẩy mạnh cải cách TTHC thuế thì phải sửa ngay một số luật thuế hiện hành.
Cụ thể, với Luật Quản lý thuế, cần phải sửa theo hướng phân loại người nộp thuế theo quy mô để có biện pháp quản lý phù hợp và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, vừa tránh thất thu cho ngân sách, vừa đơn giản hoá thủ tục. Với Luật Thuế giá trị gia tăng, phải bãi bỏ hoặc giảm mức bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng khi xem xét khấu trừ thuế, hoàn thuế. Ngoài ra, bỏ quy định về thời gian ân hạn thuế đối với hàng nhập khẩu trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Và mở rộng việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hải quan hàng nhập khẩu trong Luật Hải quan.
Nếu Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế kể trên, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ có cơ sở để tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá hàng trăm TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính, nếu tiếp tục cắt giảm TTHC, trước mắt, mỗi năm, riêng lĩnh vực hải quan sẽ giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp gần 200 tỷ đồng (tương đương mức giảm 7%), lĩnh vực thuế giảm được khoảng 121 tỷ đồng (tương đương mức giảm khoảng 31,4%). Và trong tương lai, chi phí tuân thủ TTHC của lĩnh vực hải quan có thể giảm được 20%, còn lĩnh vực thuế giảm đến 63,4%.
Để cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, theo các chuyên gia kinh tế và các nhà lập pháp, ngoài việc phải sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (dự kiến phải sửa đổi tới 48 luật, 12 pháp lệnh, 183 nghị định, 37 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khoảng 750 văn bản của cấp bộ và 3.000 văn bản của cấp tỉnh), thì cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ quan quản lý nhà nước với số tiền không nhỏ.
Mỗi máy soi container trị giá hàng chục triệu USD, nhưng theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, muốn đẩy nhanh cải cách thủ tục hải quan thì không thể không đầu tư. Tuy nhiên, việc trang bị máy soi container của Việt Nam hiện gặp nhiều bất cập. Chẳng hạn, Cát Lái là cảng container chuyên dụng lớn nhất Việt Nam hiện nay có tới 20.000 m2 kho hàng, 450.000 m2 bãi chứa container, với tổng diện tích mặt bằng lên tới 60 ha và đang chiếm 48-50% thị phần hàng xuất - nhập khẩu qua các cảng khu vực TP.HCM, nhưng địa điểm làm thủ tục hải quan chỉ được quy hoạch khoảng 100 m2. “Cơ quan hải quan muốn đặt một máy soi container tại cảng Cát Lái để đẩy nhanh năng lực giải phóng hàng, nhưng… đành chịu”, ông Ninh nói.
Còn đối với lĩnh vực thuế, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, chưa nói gì các địa phương khác, ngay tại Hà Nội, cơ sở vật chất để phục vụ công tác của không ít chi cục thuế được trang bị rất sơ sài, thiếu thốn. “Với cơ sở vật chất như vậy, làm sao có thể đẩy mạnh cải cách TTHC, nếu chúng ta không tập trung đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất cho cơ quan quản lý nhà nước”, ông Lưu băn khoăn.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com