Trong hội thảo tổng kết ngành TAND TP.HCM mới đây, Tòa Dân sự đã rút kinh nghiệm về những sai sót trong quá trình giải quyết án liên quan đến đất đai.
Thu thập chứng cứ chưa chặt
Theo thống kê năm 2010, trong 123 bản án của tòa án quận, huyện bị cấp phúc thẩm hủy có đến 63 án liên quan đến đất đai, tập trung nhiều ở các quận 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh. Trong 53 án sơ thẩm do TAND TP giải quyết bị TAND Tối cao hủy theo trình tự giám đốc thẩm có tới 24 án liên quan đến đất đai. Trong số 13 vụ án do Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử hủy thì cũng có năm vụ liên quan đến đất đai. |
Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM Dương Bửu Chánh cho biết một thiếu sót khá phổ biến là cấp sơ thẩm không kiểm định lại các tài liệu chứng cứ do cùng một cơ quan cung cấp khi nó có sự sai lệch về con số, diện tích, số thửa. Hậu quả là khi có kháng cáo, kháng nghị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm không thể khắc phục được bằng việc cho giám định lại, đo đạc lại nên đã hủy án...
Các lỗi tiếp theo là thẩm phán thường không yêu cầu UBND cung cấp bản sao hồ sơ quá trình xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đối chiếu với yêu cầu phản bác, phản tố của đương sự. Thứ nữa là loại tranh chấp phải tính án phí theo giá ngạch nhưng thẩm phán thường quên định giá giá trị quyền sử dụng đất khi đương sự không yêu cầu. Ngoài ra, việc triệu tập thiếu người tham gia tố tụng cũng là lỗi phổ biến. Kế đến là việc thu thập chứng cứ từ các cơ quan, tổ chức thường rất khó, đương sự không thể tự thu thập được nhưng tòa cấp sơ thẩm ít giúp đỡ.
Đánh giá chứng cứ sai
Theo Tòa Dân sự, các thẩm phán thường chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về cách giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất để xác định thời hiệu và việc có đình chỉ vụ án hay không. Vì thực tế có nhiều trường hợp các đương sự đều thừa nhận đất là di sản thừa kế nhưng họ đã thỏa thuận phân chia nên không yêu cầu tòa án can thiệp. Gặp những tình huống này cách xử lý đúng là chia tải sản chung về giá trị quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất tùy theo thỏa thuận của đương sự.
Tiếp theo là sai sót khi thẩm phán không định giá lại giá trị đất khi một bên đương sự yêu cầu và khi thời giá thay đổi. Không chờ cơ quan có thẩm quyền trả lời về nguồn gốc đất, quá trình giải quyết khi cấp giấy chứng nhận, thẩm phán đã vội vàng công nhận tài liệu đương sự cung cấp là chứng cứ. Có khi cơ quan trả lời nhưng người ký văn bản không có thẩm quyền nhưng tòa vẫn công nhận tài liệu đó là chứng cứ. Xử phúc thẩm tòa cấp trên hủy án vì công văn trả lời không đúng thẩm quyền. Sai sót này rất đáng tiếc.
Với các vụ án tranh chấp chuyển nhượng đất nhiều khi đương sự chỉ có giấy tay, không có chứng thực của chính quyền địa phương nhưng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và được cấp “sổ đỏ” nhưng tòa vẫn tuyên hợp đồng vô hiệu là chưa chuẩn. Theo Tòa Dân sự, đó chỉ là vi phạm về điều kiện hình thức còn nội dung chuyển nhượng đã hoàn thành thì tòa phải xem xét cho các đương sự thực hiện nghĩa vụ theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Chưa thống nhất khâu hòa giải
Cũng theo Tòa Dân sự, khâu hòa giải là khâu bắt buộc nhưng hiện có hai quan điểm khác nhau trong ngành TAND TP.HCM. Quan điểm thứ nhất cho rằng tất cả các loại tranh chấp đất đai trước khi đương sự khởi kiện ra tòa án thì bắt buộc phải thông qua hòa giải ở cấp xã. Nếu vi phạm điều kiện trên thì cấp phúc thẩm phải hủy án, nếu chưa xử sơ thẩm thì tòa nên tạm đình chỉ để thực hiện đúng thủ tục. Quan điểm thứ hai là chỉ có tranh chấp quyền sử dụng đất (ai là sở hữu đất) thì mới phải hòa giải ở cấp xã trước, các loại tranh chấp khác cứ kiện thẳng ra tòa. Đây cũng là vấn đề cần phải có một hướng dẫn chung để hiểu cho thống nhất.
Họ đã nói Sẽ sớm có hướng dẫn Tôi cho rằng các thẩm phán ngành TAND TP.HCM phải nỗ lực hơn nữa để kéo giảm sai sót trong giải quyết án liên quan đến tranh chấp đất đai dù vẫn biết đó là loại án khó. Tôi sẽ ghi nhận và sớm tập hợp để trình Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra nghị quyết hướng dẫn trên cơ sở những kiến nghị của các thẩm phán về loại án tranh chấp đất đai nói riêng và các loại án khác. Ông BÙI NGỌC HÒA, Phó Chánh án TAND Tối cao Nhận thức chưa đồng bộ Tòa Dân sự TAND TP.HCM đã mở lớp tập huấn nghiệp vụ, rút kinh nghiệm khi bị hủy án nhưng sai sót khi giải quyết loại án này vẫn nhiều. Nguyên nhân chủ quan là do bản thân các thẩn phán có trình độ nhận thức và kỹ năng vận dụng pháp luật khác nhau, chưa đồng đều. Hậu quả của những sai sót trên là tỉ lệ án bị hủy cao. Ông DƯƠNG BỬU CHÁNH, Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM Có yếu tố khách quan Yếu tố khách quan khiến cho án có sai sót là do sự chuyển biến của nền kinh tế thị trường, giá trị của các loại đất tăng cao, luôn biến động ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển hạ tầng cơ sở. Các cơ quan quản lý nhà nước ban hành nhiều văn bản hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất ở nhiều thời điểm khác nhau. Trong khi đó quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa thường phải kéo dài và tuân thủ các quy định tố tụng nên các thẩm phán thường lúng túng khi vận dụng các văn bản trên. Một đại diện Tòa Dân sự TAND TP.HCM |
THANH TÙNG// Pháp Luật Thành Phố
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com