Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trộm cước viễn thông quốc tế: Tội phạm kinh tế nguy hiểm

Trong hai tháng 5 và 6-2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra đối với 4 vụ án trộm cước viễn thông quốc tế, đề nghị VKSND TPHCM truy tố 4 bị can về tội “Trộm cắp tài sản”. Đây là loại tội phạm về kinh tế rất nguy hiểm, đã gây thiệt hại cho ngành bưu chính viễn thông Việt Nam hàng tỷ đồng. Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp quản lý nhưng các vụ trộm cước viễn thông vẫn xảy ra.

Song Long Guo (quốc tịch Trung Quốc) bị bắt quả tang vận hành hệ thống trộm cước viễn thông và bị xử phạt 10 năm tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”.

“Đổi hồn” cuộc gọi quốc tế

Ngày 7-11-2008, nhận được tin tố giác từ quần chúng, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TPHCM phối hợp với Tổ thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tiến hành kiểm tra căn nhà số 101/17/53A đường Gò Dầu (số mới 95/7 đường Gò Dầu) P.Tân Quý Q.Tân Phú.

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện Trần Vĩnh Truyền (SN 1961) đang thực hiện hành vi trộm cước viễn thông quốc tế. Truyền thuê địa điểm này để lắp đặt, vận hành khai thác hệ thống thiết bị điện tử viễn thông (gồm một đường truyền Internet của Công ty FPT, 24 thiết bị gắn sim đấu nối mạng Viettel, thiết bị chuyển mạch, thiết bị đấu nối VOIP Gateway).

Do hệ thống này có lắp đặt các thiết bị đầu cuối là các điện thoại cố định mạng Viettel nên những cuộc điện thoại được truyền theo mạng Internet từ nước ngoài vào Việt Nam khi đi qua hệ thống này sẽ tự động chuyển thành cuộc gọi trong nước qua mạng Viettel. Chỉ một bước chuyển đơn giản như vậy, người gọi sẽ không phải trả tiền phí kết nối cuộc gọi từ nước ngoài về như quy định, mà chỉ thanh toán theo cước phí nội hạt của Viettel rất thấp.

Ngoài địa điểm này, Truyền còn thuê một căn nhà khác ở chung cư Sơn Kỳ P.Sơn Kỳ Q.Tân Phú để lắp đặt hệ thống tương tự, chuyển trái phép lưu lượng cuộc gọi từ nước ngoài vào Việt Nam thành cuộc gọi nội hạt. Từ tháng 5-2008 đến khi bị bắt vào tháng 11-2008, Truyền đã “móc túi” của ngành bưu chính viễn thông Việt Nam gần 1,5 tỷ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, Phan Vỹ Hùng (SN 1980), Lý Quốc Xương, Lao Cá Hóng (SN 1954) thuê nhiều địa điểm khác nhau ở các quận 8, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và biến những nơi này thành “bản doanh” cho phi vụ “đổi hồn” cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi nội hạt thông qua việc lắp đặt đường truyền Internet ADSL kết nối với hệ thống thiết bị viễn thông và hàng trăm số thuê bao điện thoại cố định của Viettel, Cityphone, VNPT.

Theo kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, trong 3 vụ án này, Nhà nước bị thất thu hơn 8,3 tỷ đồng.

Phòng ngừa, xử lý tội phạm - còn khó khăn

Theo đánh giá của các ngành tư pháp, của lãnh đạo TPHCM, những vụ trộm cước viễn thông quốc tế có tính chất nguy hiểm cả về kinh tế lẫn về chính trị. Vì vậy, để xử lý nghiêm loại tội phạm này, các ngành tư pháp TPHCM quyết định: trong năm 2009, trong những vụ án điểm đưa ra xét xử sẽ có một vụ trộm cước viễn thông quốc tế.

Một điều khiến dư luận quan tâm là trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã làm những gì để phát hiện và ngăn chặn các vụ trộm cước viễn thông.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết: “Sở tập trung vào việc phát hiện từ sớm các hành vi trộm cước viễn thông nhằm giảm thiệt hại cho ngành. Lâu nay, sở vẫn yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp các dấu hiệu bất thường trong viễn thông. Từ những dấu hiệu bất thường này, sở tổ chức đi kiểm tra để có thể phát hiện sớm những vụ trộm cước viễn thông. Từ năm 2005 đến nay, sở phối hợp với cơ quan điều tra đã kiểm tra, bắt quả tang 21 vụ.

Có thể nói, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để phòng ngừa. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng khó đảm bảo ngăn chặn được tất cả các vụ trộm cước vì thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Điều bất ngờ là ngay cả một doanh nghiệp nhà nước cũng bị phát hiện có hành vi trộm cước. Điều đó chứng tỏ hoạt động bất chính này đem lại món lợi rất lớn nên đã hấp dẫn cả những doanh nghiệp tưởng như phải chấp hành luật một cách nghiêm chỉnh”.

Không chỉ công tác phòng ngừa còn khó khăn, mà công tác đấu tranh và xử lý tội phạm cũng chưa được toàn diện. Theo thượng tá Nguyễn Minh Thông, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15), Công an TPHCM – trong các vụ trộm cước viễn thông do PC15 khám phá, hầu hết do người Việt Nam đứng tên trong hợp đồng đăng ký thuê bao điện thoại cố định nội hạt và điều khiển hệ thống thiết bị điện tử viễn thông.

Nhưng phía sau các vụ này đều có yếu tố người nước ngoài. Họ tham gia với các hành vi: chủ động móc nối, bàn bạc, cung cấp kinh phí thuê nhà, lắp đặt hệ thống thiết bị, thanh toán cước phí Internet và điện thoại cố định hàng tháng. Tuy nhiên, khi vụ án bị phát hiện, các đối tượng này đã bỏ về nước nên cơ quan điều tra không bắt giữ được. Do vậy, chỉ có người làm thuê bị xử lý, còn kẻ chủ mưu lại trốn thoát. Đây là điều trăn trở của cơ quan điều tra.

(Theo Ái Chân // SGGP online)

  • Nhiều cột xăng bơm tay mini gian lận
  • Vụ “Buôn bán quân trang, quân dụng tại chợ Dân Sinh”: Xử phạt 4,25 triệu đồng, tiêu hủy tang vật
  • Lĩnh vực đất đai còn tới 85 thủ tục hành chính
  • Trộm cước viễn thông quốc tế: Tội phạm kinh tế nguy hiểm
  • Truy tố 23 bị can trong vụ “Đề án 112”
  • Thao túng giá chứng khoán, truy cập mạng bất hợp pháp sẽ bị phạt tù
  • Khi tội phạm môi trường chưa được luật hóa
  • 8% số công trình xây dựng là không phép
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%