Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết, căn cứ theo các quy định hiện hành bà Lã Thị Thồng không thuộc diện xem xét để giải quyết tồn đọng bảo hiểm xã hội.
Bà Lã Thị Thồng, trú tại thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nguyên là công nhân Nông trường Tân Trào. Năm 1967 bà Thồng đã bị thương do máy bay Mỹ ném bom trong khi đang làm nhiệm vụ nuôi dạy trẻ.
Từ đó đến nay Nông trường Tân Trào không làm thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động cho bà Thồng. Ngày 1/7/1980 bà Thồng được nghỉ chế độ mất sức lao động. Gần đây bà Thồng có đơn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Lê Đình Tri, công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang đề nghị được cơ quan chức năng hướng dẫn về trường hợp của bà Lã Thị Thồng.
Vấn đề này, sau khi xem xét đơn, đối chiếu trường hợp của bà Lã Thị Thồng với các quy định hiện hành của Nhà nước về giải quyết chế độ BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang trả lời như sau:
Từ khi bà Thồng bị thương (năm 1967) cho đến nay, Nông trường Tân Trào (nay là Công ty Cổ phần Chè Tân Trào) và bà Thồng không làm thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động.
Gần đây, bà Thồng mới có đơn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động (do từ ngày 31/12/1994 trở về trước, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) như: ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có Công văn số 843/LĐ-TBXH ngày 25/3/1996 hướng dẫn thực hiện một số chế độ BHXH; Công văn số 2347/LĐTBXH-BHXH ngày 7/8/2001 hướng dẫn thời hạn giải quyết vướng mắc về BHXH theo Công văn số 843/LĐ-TBXH.
Đồng thời, căn cứ quy định tại mục 1 và mục 2 Công văn số 3173/LĐTBXH-BHXH ngày 23/9/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn những trường hợp vướng mắc cá biệt chưa được xem xét giải quyết thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố thẩm định và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.
Theo đó,những trường hợp vướng mắc cá biệt gồm: Người sử dụng lao động hoặc người lao động đã nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trước ngày 1/10/2001 nhưng chưa được giải quyết;người sử dụng lao động hoặc người lao động đang khiếu nại về BHXH trước ngày 1/10/2001, nhưng đến sau ngày 1/10/2001 các cơ quan chức năng mới có kết luận làm rõ sự việc. Những hồ sơ không đúng đối tượng nêu trên thì trả hồ sơ lại cho đối tượng và giải thích rõ để đối tượng biết việc giải quyết tồn đọng đã kéo dài 5 năm (từ tháng 3/1996 đến tháng 10/2001), từ ngày 1/10/2001 đã chấm dứt việc giải quyết tồn đọng.
Như vậy, đối chiếu trường hợp của bà Lã Thị Thồng với quy định nêu trên về những trường hợp vướng mắc cá biệt và thời gian chấm dứt giải quyết tồn đọng BHXH thì bà Thồng không thuộc diện xem xét để giải quyết tồn đọng BHXH, trách nhiệm này thuộc về bà Thồng và đơn vị trực tiếp quản lý.
(Theo Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com