Trong thời gian vừa qua, hoạt động chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dưới 100 nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, gọi tắt là chào bán cổ phần riêng lẻ, đã trở thành một công cụ huy động vốn khá hiệu quả. Mặc dù Bộ Tài Chính đã ban hành Công văn số 14285/BTC - UBCK ngày 26/11/2008 (Công văn 14285) để hướng dẫn thực hiện một số điểm của Chỉ thị số 20/2008/CT - TTg ngày 23/06/2008 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 20) về tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, trong đó hướng dẫn các quy trình chào bán cổ phần riêng lẻ mà doanh nghiệp phải thực hiện nhưng doanh nghiệp vẫn khó tránh khỏi sai phạm trong quá trình áp dụng khi các quy định đó còn chưa cụ thể và chưa có chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định 01/2010/NĐ - CP của Chính phủ vào ngày 04/01/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ (Nghị định 01) trong thời điểm này là hết sức cần thiết. Các công ty cổ phần và các doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần, ngoại trừ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần, khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ phải tuân thủ các quy định của Nghị định 01.
Cơ quan quản lý
Nhà nước phân chia nhiệm vụ quản lý các tổ chức chào bán riêng lẻ như sau: Tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Doanh nghiệp bảo hiểm cổ phần: Bộ Tài Chính; Công ty cổ phần chứng khoán, công ty cổ phần quản lý quỹ, công ty đại chúng (trừ các công ty đại chúng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm): Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Công ty cổ phần không thuộc đối tượng trên: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Điều kiện chào bán
Để chào bán cổ phần riêng lẻ, trước hết doanh nghiệp phải quyết định thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, cụ thể là quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị (theo Điều lệ công ty hoặc ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông cho Hội đồng quản trị) đối với công ty cổ phần; hoặc Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty (đối với doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần); hoặc chủ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần). Đồng thời phương án chào bán phải xác định rõ đối tượng và số lượng nhà đầu tư được chào bán dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tiếp theo đó, doanh nghiệp phải có hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ đầy đủ và hợp lệ theo quy định của Nghị định 01. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài việc phải đáp ứng các quy định trên còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.
Một quy định mới được đặt ra là các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng.
Nghĩa vụ của tổ chức chào bán
Ngoài những nghĩa vụ đã được đề cập tại Công văn 14285 và Chỉ thị 20, Nghị định 01 nhấn mạnh doanh nghiệp không được quảng cáo việc chào bán trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp công bố thông tin theo pháp luật về chứng khoán và các văn bản pháp luật có liên quan trong thời hạn 90 ngày, trước và trong khi thực hiện việc chào bán. Đồng thời, tiền mua chứng khoán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng thương mại cho đến khi hoàn tất đợt chào bán. Trong trường hợp doanh nghiệp trở thành công ty đại chúng sau khi chào bán cổ phần riêng lẻ, doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện các thủ tục đăng ký công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán.
Doanh nghiệp cần lưu ý không được chứng nhận chuyển nhượng cổ phần trong thời gian hạn chế chuyển nhượng theo phương án chào bán đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trong thời gian thực hiện đăng ký công ty đại chúng (trường hợp trở thành công ty đại chúng sau đợt chào bán).
Xử lý vi phạm
Phạt cảnh cáo và phạt tiền (tối thiểu 10 triệu đồng) là hai hình thức xử phạt chính đối với những hành vi vi phạm Nghị định 01. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà tổ chức cá nhân có thể bị đình chỉ có thời hạn hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ và/hoặc tịch thu toàn bộ các khoản thu trái pháp luật có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Nghị định 01 sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 25/02/2010.
(Theo Dương Thị Mai Hương // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com