Hàng giả tràn lan, nỗi bức xúc của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: Kim Cẩm. |
Người trực tiếp nhập lậu và kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt 80 - 100 triệu đồng nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ lượng hàng lậu có giá trị trên 100 triệu đồng.
Những quy định này sẽ bắt đầu được áp dụng từ 1-7 tới với tên gọi là Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại nếu được Chính phủ ký quyết định thông qua. Ở thời điểm hiện tại, nó chỉ là dự định của Bộ Công Thương đang lấy ý kiến người dân.
Bên cạnh đó, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện hay người giao nhận, chủ kho tàng, bến bãi cố ý vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu cũng phải chịu mức xử phạt hành chính tương tự.
Trong khi đó, người có hành vi kinh doanh hàng lậu có giá trị tương tự sẽ bị xử phạt hành chính ở mức 40 - 50 triệu đồng.
So với quy định hiện hành đang áp dụng (Nghị định 112/2010/NND-CP ban hành từ năm 2010), mức xử phạt hành chính kể trên đã cao hơn gấp nhiều lần. Hiện tại, các đối tượng có hành vi trên chỉ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng.
Kinh doanh thuốc lá lậu sẽ bị phạt đến 150 triệu đồng Cơ quan chức năng đề xuất mức phạt từ 100 - 150 triệu đồng đối với người có hành vi kinh doanh hàng cấm là thuốc lá nhập lậu khi số lượng bị phát hiện từ trên 1.000 đến dưới 1.500 bao. Số tiền phạt tăng lên 150 - 200 triệu đồng nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi số lượng từ 1.500 bao trở lên hoặc dưới 1.500 bao nhưng tái phạm nhiều lần, đang bị xử phạt. Hình phạt cũng được áp dụng với chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển; chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi chứa chấp, cất giấu và người có hành vi giao nhận mặt hàng trên. Toàn bộ hàng hóa vi phạm cũng sẽ bị tịch thu, tiêu hủy. |
Bên cạnh đó, nếu được Chính phủ thông qua, người kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu cũng sẽ bị phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng nếu trị giá hàng lậu bị phát hiện từ 1 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
So với mức cũ, số tiền bị phạt đều đã tăng lên.
Ngoài ra, toàn bộ hàng hóa nhập lậu còn bị tịch thu và tiêu hủy nếu gây hại cho sức khỏe và tinh thần của con người.
Việc gia tăng và nâng cao chế tài xử phạt các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng nhập lậu kể trên là mong muốn của cơ quan thực thi từ rất lâu. Trong nhiều hội nghị trao đổi về công tác phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu, đại diện nhiều chi cục quản lý thị trường ở nhiều địa phương đều than phiền rằng cơ sở pháp lý chưa rõ ràng cũng như mức xử phạt thấp khiến công tác này gặp khó khăn và không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Kết quả là tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng lậu... vẫn diễn biến phức tạp.
Trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại mà Bộ Công Thương đang xây dựng để thay thế cho quy định cũ, cơ quan chức năng còn đề xuất mức phạt cao nhất 100 triệu đồng đối với người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng nếu lượng hàng có giá trị 30 triệu đồng và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt tăng gấp đôi, tức 200 triệu đồng nếu hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh. Tang vật, phương tiện vi phạm cũng sẽ bị tịch thu.
Đối với loại hàng giả mạo nhãn, bao bì, mức phạt đề xuất cao nhất là 70 triệu đồng với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt tăng gấp đôi khi hàng giả mạo là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dùng như thuốc, mũ bảo hiểm...
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com