Ngày 29/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008.
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 7 tháng của năm nay, Chính phủ đã thống nhất đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng còn lại của năm 2008 cần tập trung thực hiện quyết liệt, trong đó giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được ưu tiên hàng đầu.
* Các điểm nhấn tích cực của nền kinh tếNghị quyết đánh giá: Trong 7 tháng của năm 2008, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn do những biến động của
kinh tế thế giới và khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế, song với sự phấn đấu quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.
Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp phát triển tốt. Xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng cao. Chính sách tiền tệ thắt chặt được thực hiện có hiệu quả nên đã kiềm chế tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Việc điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo thị trường và yêu cầu cân đối kinh tế vĩ mô. Kiểm soát và có biện pháp xử lý kịp thời, giữ ổn định hệ thống tài chính, tín dụng, bảo đảm được khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã có đấu hiệu phục hồi.
Đồng thời với kiềm chế lạm phát, ổn đinh kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp, đặc biệt là đồng bào bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài ở các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua, chú trọng việc hỗ trợ vốn cho người nghèo vay để sản xuất và tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo.
*Thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng điều hành linh hoạtNghị quyết nhấn mạnh việc quyết liệt thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là tiếp tục thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt điều hành lãi suất theo hướng thực dương; điều hành tỷ giá linh hoạt, theo tín hiệu thị trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh ngoại tệ.
Trong quý III/2008, ban hành quy định mới về tiêu chí, điều kiện thành lập ngân hàng theo hướng nâng cao yêu cầu về quy mô vốn, trình độ quản lý và các điều kiện kỹ thuật khác để làm căn cứ rà soát, điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng hiện có, làm căn cứ cấp phép thành lập các ngân hàng mới. Trong khi chưa ban hành được các tiêu chí, điều kiện mới về thành lập ngân hàng, tạm thời chưa cấp phép thành lập mới các ngân hàng.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư công kém hiệu quả hoặc chưa thực sự cần thiết để điều chuyển, bố trí vốn cho các dự án, công trình quan trọng, cấp thiết có khả năng hoàn thành trong năm 2008 – 2009.
*Nhất thiết không được để xảy ra thiếu hàng hóa trong mọi tình huốngNhiệm vụ thứ hai là tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, tăng cường quản lý thị trường và điều hành giá cả.
Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ hải sản, công nghiệp có giá trị gia tăng cao như cơ khí, máy nông nghiệp, đóng tàu; thúc đẩy hoạt động gia công hàng hoá thuộc các ngành: điện tử, đồ gỗ, thuỷ sản,... phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm ở mức 26 - 30%; tiếp tục áp dụng linh hoạt các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, bảo đảm tỷ lệ nhập siêu năm 2008 so với kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 30%.
Tập trung chỉ đạo sản xuất trong nước kết hợp với điều hành xuất nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng: xăng dầu, lương thực, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh,... nhất thiết không được để xảy ra thiếu hàng hóa trong mọi tình huống.
*Giữ ổn định đến hết năm 2008 giá 4 mặt hàng thiết yếuMột trong nhóm nhiệm vụ thứ hai là thực hiện điều hành giá xăng, dầu hỏa theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không bù lỗ đối với 2 mặt hàng này.
Giá bán được điều chỉnh theo nguyên tắc bảo đảm kinh doanh sau khi tiết giảm tối đa chi phí để có mức giá bán hợp lý, thực hiện việc kê khai giá, đăng ký giá theo quy định của pháp luật. Đối với giá dầu mazút, thực hiện điều hành theo hướng tiếp cận thị trường, Nhà nước giảm dần bù lỗ, tiến tới áp dụng điều hành như giá xăng, dầu hoả. Đối với dầu diesel, trước mắt Nhà nước tiếp tục bù lỗ để hỗ trợ sản xuất; khi đủ điều kiện sẽ áp dụng theo cơ chế thị trường.
Giữ ổn định giá bán đến hết năm 2008 đối vớt 4 mặt hàng là điện, nước sạch, cước xe buýt công cộng, than cho 4 hộ tiêu dùng lớn (điện, phân bón, xi măng, giấy).
*Đảm bảo đủ vốn, điện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanhNhóm nhiệm vụ thứ 3 là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm đủ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (kể cả cân đối ngoại tệ); có biện pháp thích hợp để đáp ứng nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng các biện pháp để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng thiết yếu và xuất khẩu.
* Nhanh chóng đưa chủ trương, chính sách an sinh xã hội đến các đối tượng thụ hưởngNhóm nhiệm vụ thứ tư về bảo đảm an sinh xã hội, Nghị quyết nêu rõ: Các Bộ, ngành và địa phương theo trách nhiệm được giao tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành như: hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, hỗ trợ dầu hoả thắp sáng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nâng mức trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ kinh phí nâng mức hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi...; đồng thời, kịp thời phát hiện, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội nhanh chóng đến được các đối tượng thụ hưởng.
Ở nhóm nhiệm vụ thứ năm, các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện quy chế về thông tin, chủ động cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về tình hình kinh tế xã hội và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, doanh nghiệp, qua đó củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội.