Người dân là đối tượng chịu thiệt đầu tiên trước những sai phạm của ngành y. |
Không chỉ vi phạm về mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu mà mới đây Thanh tra Chính phủ còn công bố nhiều sai phạm trong quản lý, dự trữ lưu thông thuốc quốc gia.
Làm sai
Ngày 16-5-2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 110/2005/QĐ-TTg về kế hoạch Dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Theo đó lượng dự trữ thuốc với số tiền trước mắt khoảng 330 tỷ đồng, với cơ chế: các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ lưu thông thuốc (DTLTT) được vay tiền ngân hàng để mua cơ số thuốc DTLT theo yêu cầu, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng.
Theo đó, 3 công ty được Bộ Y tế chọn là Cty Dược phẩm Trung ương I (được phân bổ 110 tỷ đồng); Cty Dược phẩm Trung ương II (160 tỷ đồng) và Cty Dược phẩm Trung ương III: (60 tỷ đồng).
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, 3 doanh nghiệp trên đều không sử dụng hết hạn mức vốn vay được phân bổ để thực hiện công tác DTLTT.
Cụ thể: Cty dược phẩm trung ương II đã được phân bổ hạn mức vay vốn 160 tỷ đồng vào năm 2006 nhưng khi thực hiện, Cty này chỉ sử dụng hơn 21,143 tỷ đồng được phân bổ (tỷ lệ 13,2%); hai năm 2007, 2008 cũng chỉ đạt tương ứng 29,8% và 31,1% hạn mức vốn vay.
Rút kinh nghiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trong cuộc họp triển khai thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 10-8 đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và lãnh đạo 3 Cty dược được giao thực hiện việc dự trữ lưu thông thuốc rút kinh nghiệm, đồng thời yêu cầu các công ty dược trên nộp lại Nhà nước các khoản lãi vay đã thực hiện ngoài danh mục. |
Năm 2009 Cty sử dụng được 98,9% hạn mức vốn vay nhưng về số mặt hàng thuốc dự trữ, Cty này chưa mua đủ theo kế hoạch được duyệt, hằng năm chỉ thực hiện đạt từ 24,5% đến 38% số mặt hàng được duyệt.
Tương tự, Công ty Dược phẩm Trung ương I và III cũng sử dụng không hết hạn mức vốn vay được phân bổ. Năm 2006 Cty Dược phẩm Trung ương III chỉ sử dụng đạt 17% trong số 60 tỷ đồng được phân bổ nhưng sang năm 2008 cũng chỉ tăng lên được 41,3%. Tuy nhiên, ngày 5-5-2009, Bộ Y tế có Quyết định số 1472/QĐ-BYT điều chỉnh hạn mức vốn vay của Công ty Dược phẩm Trung ương III xuống còn 25 tỷ đồng.
Bất ổn
Theo Thanh tra Chính phủ, công tác DTLTT còn có một số bất cập. Việc thiếu thuốc chỉ được xác định khi có 30% bệnh viện thuộc Bộ Y tế, ngành, đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thiếu từ 30% thuốc trong Danh mục dự trữ trở lên trong thời gian ít nhất 15 ngày là chưa phù hợp thực tiễn.
Khi kiểm tra một số bệnh viện thuốc Bộ Y tế cho thấy, thực tế không thể xảy ra tình trạng trên, vì thiếu 30% thuốc thiết yếu trong Danh mục thuốc DTLTT chỉ xảy ra trong 1 đến 2 ngày, bệnh viện đã gặp nhiều khó khăn trong việc khám, chữa bệnh.
Hơn nữa, việc biến động giá thuốc được xác định khi có từ 30% thuốc trong Danh mục dự trữ lưu thông tăng giá 20% so với trước khi biến động cũng không phù hợp. Thực tế, giá thuốc trong những năm qua đều tăng, nhưng mức độ tăng dưới một con số.
Thanh tra cũng cho rằng, Cục quản lý Dược xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi vay cho 3 doanh nghiệp dược trên chưa chặt chẽ, để từ năm 2006-2009 số lượng thuốc dự trữ vượt cơ số được duyệt và chủng loại thuốc ngoài danh mục được duyệt với số tiền vượt hơn 27,5 tỷ đồng. Do đó, đã vi phạm Quy chế quản lý thuốc DTLT. Ngoài ra số lãi tiền vay phát sinh tương ứng số tiền vay sử dụng sai mục đích nêu trên là hơn 2,821 tỷ đồng.
(Theo Lê Nguyễn // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com