![]() |
Các NHTM rồi đây sẽ phải tính toán kỹ đối với các khoản cho vay có độ rủi ro cao |
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 13/TT-NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của TCTD từ 8% lên 9%.
Thông tư số 13/TT-NHNN quy định 5 tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD là: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; giới hạn góp vốn mua cổ phần; và tỷ lệ cấp vốn tín dụng so với nguồn vốn huy động. Đây là một bước tiến mới, nhưng chỉ là bước nhỏ để ngành ngân hàng tiến được đến mục tiêu kiểm soát rủi ro theo tiêu chí của Ủy ban giám sát ngân hàng Basel.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được cho là quan trọng, có ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động kinh doanh của các NHTM. Tỷ lệ này được tính trên cơ sở: vốn tự có/tổng tài sản Có rủi ro phải bằng 9%. Về con số này, giới trong ngành cho rằng, nhiều NHTM đã đạt được, thậm chí vượt. Thế nhưng 8% chỉ là mức mà Basel I đưa ra. Hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng Basel II với tỷ lệ này ở mức 12%. Như vậy, quy định mới có sự cải thiện thêm, nhưng chỉ là rất nhỏ. Không những thế, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, trong phép tính này, phần tử số không có gì đáng ngại. Vì, chiếm phần lớn nhất của vốn tự có (tử số) là vốn điều lệ. Mà theo lộ trình, chỉ đến cuối năm nay các NHTM phải nâng mức vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, thậm chí lộ trình lên 5.000 tỷ đồng đã được tính đến. Vấn đề nằm ở tổng tài sản Có rủi ro (mẫu số). Bà Hương cho rằng, mẫu số này đang có nguy cơ tăng cao.
Có thể đưa ra vài dẫn chứng. Trong các tài sản Có của NHTM hiện nay, theo quy định của NHNN, đứng đầu trong danh sách tài sản Có rủi ro ở mức 100% là các khoản góp vốn, mua cổ phần vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết... Các khoản cho vay công ty con, công ty liên doanh, liên kết của tổ chức tín dụng có độ rủi ro ở mức 150%. Các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản; cho vay các công ty chứng khoán có độ rủi ro ở mức 250%. Thực tế, các khoản cho vay có độ rủi ro cao này có thể dễ dàng tìm thấy tại đại đa số các NHTM hiện nay. Hiện trong số các NHTM, nhất là những NHTMCP nhỏ, mới chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị, có rất nhiều ngân hàng đang sở hữu ít nhất một công ty con trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chứng khoán, bảo hiểm, vàng bạc đá quý. Chưa kể không ít NHTMCP có đại cổ đông là những công ty, tập đoàn lớn (EVN, FPT, Đại dương, Petrolimex...). Không ai dám chắc việc góp vốn hay cho vay, huy động vốn “vòng vèo” giữa các công ty con; giữa ngân hàng với công ty, tập đoàn là cổ đông... đều nằm trong tầm kiểm soát, đều tuân thủ quy định của NHNN. Do đó mức độ rủi ro của những tài sản này cũng khó đong đếm được.
Như vậy, cho dù các NHTM đã và sẽ làm tăng tử số (chủ yếu là tăng vốn điều lệ) mà mẫu số cũng tăng, thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu khó mà tăng cho được.
Một quy định khác, ràng buộc với quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là giới hạn góp vốn mua cổ phần của TCTD. Theo quy định mới, tổng mức vốn mua cổ phần của TCTD trong tất cả các công ty trực thuộc tối đa không được quá 25% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng. Thứ hai, trong tất cả các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, TCTD khác mà góp vốn, mua cổ phần của công ty trực thuộc một TCTD không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của TCTD. Điều này sẽ buộc các NHTM phải nhanh chóng thực hiện đúng lộ trình tăng vốn điều lệ của NHNN.
Như vậy, quy định mới của NHNN đúng là “một công đôi việc”. Thông tư 13 sẽ có hiệu lực từ 1/10/2010. Những TCTD nào không tuân thủ ngoài việc bị xử phạt hành chính, sẽ bị NHNN hạn chế tín dụng, hạn chế mở rộng mạng lưới, nội dung hoạt động, thậm chí đình chỉ có thời hạn hoặc không thời hạn một số nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm. Như vậy, các TCTD chỉ còn 4 tháng nữa để rà soát và điều chỉnh toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình để không “vượt rào” của NHNN.
(Theo Ngân Hà // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com