Thủ tục còn phiền hà
Theo ý kiến đại diện của VCCI, nếu VN quy định các DN tham gia thí điểm phải được cấp giấy phép dễ tạo ra cơ chế xin cho và đi ngược lại việc cải cách thủ tục hành chính. Cần phải quy định sao cho gọn nhẹ và đảm bảo được quyền lợi cho khách nước ngoài.
Quan điểm này nhận được sự tán đồng của nhiều bộ ngành liên quan. Ngoài góp ý không cần phải cấp phép, các ý kiến còn cho rằng không cần hạn chế số lượng DN tham gia chương trình mà chỉ cần đưa ra tiêu chí để các DN tự đối chiếu điều kiện và đăng ký. Việc lựa chọn và cấp phép cuối cùng do Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Lữ hành - Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch lại có quan điểm ngược lại. Vị đại diện này cho rằng cần phải chọn lựa kỹ các DN có uy tín và có đạo đức kinh doanh, có như vậy thì mới đảm bảo được quyền lợi cho khách du lịch và góp phần giữ gìn hình ảnh của du lịch VN…
Về việc lựa chọn ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế, nhiều ý kiến thống nhất theo đề xuất của Tổng cục Hải quan là chọn các ngân hàng đã đăng ký thoả thuận phối kết hợp thu ngân sách nhà nước với Tổng cục Hải quan, mỗi sân bay sẽ lựa chọn 1 ngân hàng để tránh chồng chéo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng với số lượng 1 ngân hàng /sân bay như đề xuất là ít bởi thủ tục hoàn thuế GTGT mất rất nhiều thời gian. Để tạo thuận tiện nhất cho khách nước ngoài, thì nên có nhiều quầy hoàn thuế.
Dự thảo hướng dẫn còn chưa rõ tiêu chí
Nhiều ý kiến vẫn nhất trí với việc cần phải quy định rõ về tiêu chí lựa chọn ngân hàng thương mại làm đại lý thí điểm hoàn thuế GTGT trong dự thảo Thông tư hướng dẫn do Tổng cục Hải quan xây dựng. Đại diện của VCCI cho rằng, nếu chiểu theo Điều 10, 11 của dự thảo thì sẽ có rất nhiều cơ sở kinh doanh có thể đáp ứng đủ điều kiện tham gia thực hiện thí điểm, trong khi đó dự thảo lại khống chế số lượng ngân hàng làm đại lý hoàn thuế tại hai sân bay. Điều này vô hình chung sẽ tạo ra cơ chế “xin- cho” và phát sinh tiêu cực. Thêm vào đó, việc khống chế 1 sân bay chỉ cho phép 1 ngân hàng thực hiện hoàn thuế dễ phát sinh tiêu cực, trong khi thời gian lại eo hẹp. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này sẽ dễ gây phản ứng ngược lại.
Về tiêu chuẩn lựa chọn ngân hàng thương mại làm đại lý thí điểm hoàn thuế, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần bổ sung thêm điều “là ngân hàng thương mại được hoạt động ngoại hối và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật về ngoại hối” và trách nhiệm của ngân hàng là phải ghi chép hoá đơn bán ngoại tệ, cập nhật, lưu giữ số liệu và sổ sách kế toán phù hợp với chế độ hạch toán, kế toán hiện hành trong trường hợp người nước ngoài đề nghị quy đổi số tiền hoàn thuế sang ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Ngoài ra, về tiền dịch vụ cho đại lý hoàn thuế, ngay chính trong nội dung của dự thảo đã có sự bất cập. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 16 dự thảo Thông tư quy định về tiền dịch vụ cho đại lý hoàn thuế là 6% trên tổng số tiền thuế GTGT ghi trên hoá đơn mua hàng, trong khi Khoản 2 Điều 15 lại quy định tiền dịch vụ là 12% trên tổng số tiền thuế người nước ngoài được hoàn để bù đắp chi phí hoàn thuế. Như vậy, nếu ngân hàng thương mại làm đại lý thí điểm hoàn thuế chỉ được hưởng phí dịch vụ là 6% thì số còn lại sẽ đi đâu? Đấy là chưa kể, tại Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg quy định: “Phí dịch vụ hoàn thuế tối đa không quá 15% trên tổng số tiền thuế GTGT phải hoàn, do ngân hàng thương mại được lựa chọn làm đại lý hoàn thuế thu để trang trải các chi phí phục vụ cho việc hoàn trả tiền thuế”. Việc không thống nhất giữa quyết định của Thủ tướng và dự thảo Thông tư sẽ tạo ra rào cản trong việc triển khai.
Tất cả những vướng mắc trên đang được Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính tiếp thu để chỉnh sửa để làm sao Quyết định của Thủ tướng sớm được triển khai.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com