Đáng nói, điều này chỉ phát sinh khi Nghị định 107/2009/NĐ- CP ban hành ngày 26/9/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực. Nghị định 107 quy định về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, thương nhân phân phối LPG cấp I, các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng kinh doanh LPG. Tuy nhiên, để các cơ sở kinh doanh LPG đang hoạt động có thời gian nâng cấp, đáp ứng yêu cầu mới, Nghị định 107 cho phép các cơ sở kinh doanh LPG của thương nhân đang hoạt động không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại nghị định này được phép tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30/9/2010.
Nếu không đáp ứng sẽ bị “hạ cấp”
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành để đáp ứng được những điều kiện trên, các DN phải có số vốn đầu tư khá lớn. Theo quy định hiện nay tất cả các đơn vị kinh doanh LPG để bảo đảm tính an toàn, đủ điều kiện hoạt động thì phải xây dựng mới lại hoàn toàn các kho chứa. Đơn cử, Tổng kho Việt Hà gas khi bắt tay vào xây dựng lắp đặt hệ thống bồn chứa khoảng cách bồn cách bồn 5 m (đúng theo quy chuẩn khi tổng kho được phép hoạt động) theo đó chân móng bồn có độ sâu 45 m nhưng nay theo quy chuẩn mới khoảng cách bồn chứa phải có mức tối thiểu 6 m. Để hoàn thành khối lượng công trình như vậy, DN phải cần đến ít nhất 60 tỉ đồng tiền đầu tư ban đầu, trong đó chưa kể tới các khoản chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện.
Chia sẻ với chúng tôi đại diện lãnh đạo các đại lý cấp I cho rằng, yêu cầu này dường như vượt quá sức vì có kho LPG với tổng sức chứa các bồn tối thiểu 800 m3 để tiếp nhận LPG từ tàu hoặc các phương tiện vận chuyển khác có tối thiểu 300.000 chai LPG các loại (trừ chai LPG mini) DN đã phải chi khoảng 15 - 17 tỉ đồng. Nhưng DN cũng cho rằng, quy định như nghị định lại không phù hợp, đặc biệt với những khu vực hẻo lánh, các tỉnh miền núi vì như vậy là lãng phí bởi mức tiêu thụ tại địa bàn này chỉ ở mức 100.000 chai LPG.
Đại diện lãnh đạo Cty khí hóa lỏng Miền Nam nhận định, nếu chiểu theo yêu cầu của nghị định, chắc chắn hàng loạt cơ sở kinh doanh LPG sẽ bị “hạ cấp”. Những cơ sở đầu mối nhập khẩu LPG sẽ trở thành những thương nhân phân phối cấp I và sẽ trở thành tổng đại lý hoặc đại lý.
Triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh
Chia sẻ cùng DĐDN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều dễ dàng nhận thấy ở đây là nếu tiếp tục tuân thủ những quy định cũ về kinh doanh LPG thì thế độc quyền trong kinh doanh LPG sẽ được thiết lập cả trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối LPG trong nước. Vì theo các chuyên gia, chỉ có những DN có vốn đầu tư lớn như PV Gas mới có đủ khả năng trở thành DN đầu mối trong nhập khẩu và là DN cấp I trong phân phối. Ông Phạm Việt Anh - TGĐ TCty Khí VN (PV Gas) cho biết, PV Gas hiện là đơn vị nắm khoảng 40 % thị phần kinh doanh LPG trên thị trường với các kho chứa LPG tại nhiều địa phương đồng thời DN cũng có hệ thống cung ứng LPG cho phương tiện giao thông vận tải... trên toàn quốc.
Như vậy, vô hình trung thế độc quyền trong kinh doanh LPG sẽ được xác lập, khi đó cạnh tranh lành mạnh trên thị trường sẽ bị triệt tiêu.
Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, LPG không phải là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá nên từ đó, các Cty có thị phần lớn sẽ có lợi thế trong việc quyết định giá bán lẻ, thậm chí khống chế được giá bán trên thị trường. Mặc dù, các Cty đều cho rằng giá bán lẻ được đưa ra dựa trên giá thế giới, nhưng song song đó các Cty cũng công nhận có sự thăm dò mặt bằng giá khi quyết định giá bán của mình.
Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương Bạch Văn Mừng cho rằng, việc chấm dứt, dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh LGP không đáp ứng đủ các điều kiện cũng là một điều cần thiết và cần phải thực hiện để có thể xây dựng một thị trường LGP lành mạnh và phát triển bền vững hơn. Thế nhưng, chúng ta cũng không thể không phủ nhận rằng, quy định hiện tại về kinh doanh LPG đang bộc lộ những hạn chế và có nguy cơ sẽ tạo ra thế độc quyền cho kinh doanh LPG trên thị trường.
Ông Trần Trung Chính- Phó TGĐ Cty VT gas cũng có chia sẻ: "Hầu như các Cty nhỏ đều có sự cân nhắc, xem xét mức giá tăng của các Cty khác trên thị trường, nhất là các đơn vị chiếm thị phần lớn khi quyết định giá bán mỗi khi tăng giá. Chẳng hạn như, Saigon Petro chiếm thị phần khoảng 15 - 20% thường được các Cty khác thăm dò mức giá đưa ra. Như vậy, rõ ràng những DN nhỏ và vừa sẽ phải lệ thuộc vào giá bán của những DN “khủng” trong lĩnh vực kinh doanh LPG và mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh đã không còn được tôn trọng trong lĩnh vực kinh doanh LPG.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com