Tranh chấp tiền sử dụng đất khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP HCM; hàng nghìn người tranh mua chung cư tại Hà Nội khi thị trường ảm đạm, nhiều dự án cao cấp bị đổi chủ... là những sự kiện đáng nhớ trong năm 2009.
Tranh chấp tiền sử dụng đất Phú Mỹ Hưng
Đây được coi là hiện tượng cá biệt nhất Việt Nam, vì không ở đâu như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM, khách hàng phải đối mặt với việc đóng khoản tiền sử dụng đất tương đương với giá trị một căn nhà, từ vài trăm triệu đến bạc tỷ đồng.
Để phản đối, gần 700 khách hàng đại diện cho cộng đồng cư dân Phú Mỹ Hưng đã ký đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng từ thành phố đến Chính phủ, Quốc hội yêu cầu làm rõ. Quan điểm của cư dân: tiền sử dụng đất thuộc nghĩa vụ chủ đầu tư, cư dân kiên quyết không đóng. Giải quyết vụ việc này dường như đã vượt tầm xử lý của lãnh đạo TP HCM.
Sở Tài nguyên môi trường được giao tham mưu cho UBND thành phố hướng giải quyết, để trình Bộ Tài nguyên phê duyệt. Phương án được xem tối ưu nhất, là cư dân nộp tiền sử dụng đất bằng 30% tiền sử dụng đất tại thời điểm năm 2009. Tuy nhiên "lời giải" này nếu được áp dụng lại trái với các quy định về đất đai.
Vụ việc này đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Hàng nghìn người chen nhau mua chung cư
Lần đầu tiên tại Hà Nội, chủ đầu tư công khai quyền góp vốn mua căn hộ, tạo cú hích mạnh mẽ cho thị trường trong giai đoạn ảm đạm, gây xôn xao giới kinh doanh bất động sản phía Bắc. Chỉ trong hai ngày đầu tháng 11, sàn giao dịch bất động sản của Tập đoàn Nam Cường tiếp hàng nghìn khách tham gia bốc thăm quyền góp vốn mua 300 căn hộ thuộc đô thị mới Dương Nội (Hà Nội). Nhiều trường hợp sẵn sàng mua lại các suất bốc thăm với giá chênh 100-150 triệu đồng.
Một thực tế đang diễn ra tại Hà Nội là không ít các dự án khu chung cư, nhà liền kề, biệt thự khi hoàn thiện xong công trình cũng là lúc hết sản phẩm. Khách hàng không mua được nhà với giá gốc, mà phải chịu khoản chênh có khi lên tới cả tỷ đồng từ môi giới.
Nhiều dự án bất động sản cao cấp đổi chủ
Năm 2009 mở ra giai đoạn các dự án cao cấp phải chia tay nhiều "đại gia". Khó khăn về tài chính buộc chủ đầu tư ngoại phải bán tháo dự án bất động sản. Chớp cơ hội này, các nhà đầu tư trong nước đã nhanh tay mua lại.
Dự án khu biệt thự cao cấp Raffles (Đà Nẵng), vốn đầu tư 100 triệu USD do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Sau khi qua tay Công ty Vegas Hotel & Villas, đến năm 2009 Công ty Magnum mua lại, dự án mới được tái khởi công. Kế đến là thương vụ dự án nhà ở cao cấp, văn phòng, khách sạn 5 sao Hanoi City Complex do tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc Lotte mua lại từ tập đoàn Deawoo.
Cuộc chạy đua nắm quyền xây dựng khách sạn 5 sao Lotus (Hà Nội) vốn đầu tư 500 triệu USD diễn ra giữa Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, Vinaconex, Công ty Sản xuất thương mại và xây dựng Thiên Thanh; sau khi Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) xin rút lui. Sau 4 tháng, quyền xây dựng dự án này thuộc về Công ty Kinh Bắc.
Thuế chuyển nhượng bất động sản khiến thị trường đình trệ
Từ ngày 26/9, Thông tư 161 hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân đối với các trường hợp chuyển nhượng bất động sản có hiệu lực. Tại Hà Nội, sau một tuần thực hiện thuế thu nhập cá nhân khi sang nhượng bất động sản; các giao dịch đất nền dự án, nhà riêng lẻ, chung cư qua sàn đã giảm tới 60%. Còn TP HCM, chỉ trong tháng 9, thị trường đất nền sụt giảm nghiêm trọng. Các sàn địa ốc chuyên phân phối đất nền tại Sài Gòn, giao dịch sụt giảm hơn 90%. Ranh giới giữa phương án thu thuế chuyển nhượng 2% hay 25% chưa rõ ràng là một trong những lý do khiến giao dịch bị đình trệ.
Theo các chuyên gia, cách đánh thuế 25% trên lợi nhuận khiến nhiều nhà đầu tư bị choáng vì trước nay chưa có tiền lệ. Mặt khác, hầu hết khoản mua bán trao tay với chênh lệch hàng trăm triệu đồng thường không có hóa đơn chứng từ. Người mua sau lo phải cõng cả phần thuế của người mua trước nên mọi cuộc thương lượng mua bán đều dậm chân tại chỗ.
Thống nhất một loại giấy tờ nhà đất
Các cơ quan hành chính cả nước gấp rút chuẩn bị việc bàn giao và gộp các loại giấy tờ nhà đất làm một từ ngày 10/12 theo Nghị định 88. Đây được xem là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tên gọi mới cho các loại giấy tờ nhà đất, từ nay, là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, chỉ có một cơ quan cấp giấy chứng nhận nhà đất và do ngành tài nguyên môi trường làm đầu mối. Cách làm này được kỳ vọng sẽ hạn chế nhũng nhiễu trong khâu thủ tục hành chính.
Trước đó, lịch sử giấy tờ nhà đất có nhiều loại theo từng thời kỳ. Cụ thể, giấy đỏ của Luật Đất đai 1993 công nhận quyền sử dụng đất. Giấy đỏ Luật Đất đai năm 2003 quy định quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Còn giấy hồng có ba loại: giấy hồng cũ công nhận nhà và đất theo Nghị định 60/CP; giấy hồng mới được cấp theo Luật Nhà ở năm 2005 cùng công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Giấy hồng theo Nghị định 95/CP công nhận công trình xây dựng trên đất thuê, đất mượn.
Năm 2007, Quốc hội thống nhất sổ hồng sổ đỏ, nhưng mãi đến năm 2009 chủ trương gộp các loại giấy tờ nhà đất mới thành hiện thực.
(VnExpress)