Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bất động sản: Từ trang trại đến nhà vườn

Ngày càng có nhiều quần thể nhà vườn mọc lên ở những vùng du lịch ven Hà Nội để đón đầu nhu cầu nghỉ cuối tuần của người dân Thủ đô. Không phải đến khi người Hà Nội cảm thấy nhức mắt với những tòa cao ốc bê tông mọc lên như nấm thì mới mong muốn tìm đến những vạt rừng xanh hoặc hồ nước thơ mộng để thư giãn vào mỗi dịp cuối tuần.

Vào những năm cuối của thập kỷ trước, khi kinh tế mới bắt đầu phát triển, ở Thủ đô đã hình thành một lớp người giàu có, dư dả tiền bạc. Đối với họ, mua một mảnh đất rộng ở Hòa Lạc (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) hay Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) để lập trang trại không những thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi cuối tuần mà còn là cách thể hiện “đẳng cấp” của mình trong xã hội.

Giờ đây, khi cuộc sống công nghiệp ở đô thị trở nên ngột ngạt hơn thì nhu cầu nghỉ ngơi cuối tuần cùng gia đình của tầng lớp khá giả tại Hà Nội ngày càng tăng lên. Nắm bắt nhu cầu này, một số doanh nghiệp đã xây dựng những khu nghỉ dưỡng quy mô nhỏ không quá cách xa Hà Nội như Asean Resort (Hòa Lạc) hay V-Resort (Hòa Bình) để đáp ứng nhu cầu này. Nhưng sở hữu một mảnh đất riêng để xây nhà nghỉ cuối tuần vẫn là ước muốn của không ít gia đình trung lưu ở Hà Nội. Và giờ đây, họ không muốn lập trang trại ở một nơi quá riêng biệt vì phải thuê người chăm sóc và không đảm bảo an ninh, mà muốn sống trong một quần thể có “hàng xóm” cùng đẳng cấp.

Nắm bắt nhu cầu đó, một số công ty chuyên về lĩnh vực xây dựng nhà vườn ngoại ô như INT Hải Linh hay Archi Invest, đã chuyển hướng đầu tư. Thay vì đi tìm những mảnh đất riêng lẻ để bán cho các “đại gia”, những công ty này lựa chọn những nơi có phong cảnh đẹp, đặc biệt là gần đồi núi và hồ nước, rồi tiến hành mua gom đất thổ cư và đất vườn của người dân địa phương, quy hoạch lại thành những dự án nhỏ rộng 10 - 20ha, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường nội bộ, điện nước, cảnh quan và chuyển nhượng từng lô đất cho “đại gia” để họ tự xây dựng. Mỗi khu đất thường được thiết kế với một biệt thự hoặc nhà sàn, tiểu cảnh, vườn cây và ao cá.

Các dự biệt thự, nhà vườn thường cách trung tâm Hà Nội 50-80km, có cây xanh, hồ nước và nằm gần kề các khu du lịch

 Dạo quanh một vòng khu vực ven Hà Nội có thể thấy hàng chục dự án nghỉ dưỡng được phát triển theo mô hình quần thể biệt thự, nhà vườn. Các dự án này thường cách trung tâm Hà Nội 50 - 80km, có cây xanh, hồ nước và nằm gần kề các khu du lịch như Ba Vì, Thác Đô, Khoang Xanh hoặc các sân golf như Đồng Mô, Long Sơn. Những địa điểm được ưa thích vẫn là vùng đồi núi và hồ nước ở huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn và Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) và huyện Ba Vì (Hà Nội). Mỗi quần thể có từ 10 - 30 khuôn viên nhà vườn với diện tích mỗi lô đất từ 1.000m2 cho đến hơn 5.000m2. Giá đất cũng không quá đắt, trung bình từ 200.000 - 400.000 đồng/m2. Gần đây, có một số dự án có vị trí và thiết kế đẹp được chuyển nhượng với giá trên 4 triệu đồng/m2. Đất được chuyển nhượng có sổ đỏ nên người mua cũng an tâm.

Ở quy mô lớn hơn, một số công ty lập hẳn dự án để đầu tư khu nghỉ dưỡng với các khu biệt thự để bán. Điển hình trong số này là Flamingo Đại Lải Resort, một dự án nghỉ dưỡng rộng trên 100ha, nằm ven hồ Đại Lải thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, chủ đầu tư giữ lại những vạt rừng thông hàng chục năm tuổi và chia dự án thành 350 lô đất xây biệt thự với giá bán hiện tại trên 5 triệu đồng/m2. Cách đó không xa là dự án Thung Lũng Thanh Xuân được thiết kế với những ngôi biệt thự xanh trên diện tích 170ha nằm kẹp giữa vạt đồi xanh và cánh đồng lúa thơ mộng.

Tuy có nhiều quần thể nhà vườn hoặc dự án khu biệt thự nghỉ cuối tuần ở ven Hà Nội, nhưng chưa có một dự án nào được xây dựng hoàn chỉnh. Đa phần các dự án chỉ gom đất, quy hoạch lại và chuyển nhượng đất cho người mua mà không bắt buộc phải tiến hành xây dựng nhà. Rất nhiều trong số những người mua là những người đầu cơ và họ tiến hành rao bán mảnh đất đó ngay sau khi nhận chuyển nhượng. Không ít những khu nhà vườn để trống quanh năm suốt tháng vì chủ nhân chỉ sử dụng vào một vài dịp nghỉ cuối tuần. Một số chủ đầu tư đang tìm cách khắc phục khuyết điểm này bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng tài sản khi chủ nhân đi vắng. Thậm chí, có doanh nghiệp đã nghĩ đến việc kết hợp với công ty quản lý khách sạn để cho khách du lịch thuê lại nhà vườn khi chủ nhân không sử dụng để tránh lãng phí và tăng thêm thu nhập cho các chủ sở hữu. Nhưng không phải “đại gia” nào cũng cần khoản tiền đó mà họ chỉ coi nhà vườn là “của để dành” của riêng mình.

(Theo Linh Giang // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Triển vọng dài hạn từ bất động sản du lịch
  • Đồ án quy hoạch, dự án bất động sản ở Hà Nội : Ai được “lên tàu” sớm?
  • Toà nhà New Skyline - điểm nhấn cho khu đô thị mới Văn Quán
  • Xây mới gần 22 triệu mét vuông nhà ở
  • Khai thông thị trường BĐS từ quản lý
  • Phú Mỹ Hưng bán 40 căn hộ Riverpark Residence chỉ trong 2 giờ
  • Bỏ phí tiền tỉ từ nguồn lực đất đai
  • Tiền thu hồi đất lúa có thể gấp đôi giá đất thổ cư
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!