Hiện thị trường bất động sản Hà Nội đang có những dấu hiệu bất thường à nổi bật là giá nhà, đất nói chung thuộc nhiều dự án đều tăng lên từng ngày. Điều này trái với dự đoán của nhiều người nhưng mấy ngày gần đây giá bỗng nhiên chững lại trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa mấy sáng sủa.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định diễn biến của thị trường bất động sản Hà Nội sẽ “ấm” lên nếu nền kinh tế chúng ta phục hồi tăng trưởng trở lại. Mà khả năng này khó xảy ra cho nên giá nhà đất sẽ không có biến động nhiều trong năm nay, thậm chí một số dự án mới triển khai hoặc cơ sở hạ tầng còn yếu kém, giá còn có thể giảm đi... Nhưng thực tế do một loạt chính sách cũng như các gói kích cầu của Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế có hiệu quả nên diễn biến của thị trường bất động sản đã khởi động và “ấm” nhanh hơn so với dự đoán. Điều đó gây nên mối lo ngại việc hình thành “bong bóng” bất động sản mà sự “xì hơi” của nó sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ, chứng khoán, lao động… nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung. Tuy nhiên, điều lo ngại trên đã không thành bởi giá nhà, đất mấy hôm nay có dấu hiệu chững lại không tăng từng ngày như trước.
“Nóng” phải chăng do đầu cơ “lướt sóng”?
Giá cả thị trường bất động sản Hà Nội vào quý 2/2009 đã tăng một cách chóng mặt. Quả thật, đất khu liền kề của nhiều dự án đã tăng 20% - 30% sau vài tháng, thậm chí có dự án tăng đến 60%. Đất khu nhà liền kề 100m2 dự án khu đô thị Dương Nội, Văn Khê đầu năm giá chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2 nhưng nay đã tăng đến 28-30 triệu đồng/m2. Các khu đô thị mới như Vân Canh, Xuân Phương đang chuẩn bị triển khai mà giá đất cũng đã được chào cao khủng khiếp, thí dụ Dự án Vân Canh do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, mặc dù chưa chính thức qua sàn, nhưng các văn phòng môi giới đã chào bán lại quyền mua suất trong dự án, với giá ứng trước từ 50 đến 70 triệu đồng/suất. Khu đô thị mới Tân Tây Đô với nhiều lợi thế là tiếp giáp với đường 32 và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài giá đất liền kề mặt đường 39m, diện tích 80m2 đã lên quá 17,5 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với đầu năm. Theo khảo sát tại 18 sàn giao dịch bất động sản thời gian qua trên địa bàn Hà Nội cho thấy, có khoảng trên 30% các giao dịch thành công thuộc về trục phía Tây - Hà Nội và những dự án có tiến độ hoàn thành nhanh như các dự án dọc theo trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội).
Rất nhiều ý kiến lý giải về sự sốt giá thời gian trước và chững giá trong tuần qua có nguyên nhân liên quan tới dòng vốn đổ vào thị trường BĐS kết hợp cùng sự tiếp tay của nhiều nhà đầu cơ “lướt sóng” với nhau tạo thành một thị trường mua nhanh, bán gọn. Ông Nguyễn Trọng Thủy, Giám đốc trung tâm bất động sản Mỹ Đình II (Hà Nội) cho biết rất dễ nhận ra các nhà đầu cơ bởi họ thường khá dễ dãi không kỹ tính như khách có nhu cầu mua để ở, thấy mảnh đất nào ưng ý khả năng bán nhanh là đặt cọc mua ngay một vài người đã gặp lại thửa đất mà mình đã bán cách vài tuần. Điều này khiến thị trường nhà đất Hà Nội liên tục xuất hiện những điểm nóng mới nhưng cũng nhanh chóng chững giá vì giá bị đẩy quá cao. Cũng có người nói BĐS ấm lên đúng thời điểm này là do có nguồn tiền tăng đột biến được khách rút ra từ ngân hàng với lãi suất trên 18% trên một năm; thêm vào đó, lúc này thị trường chứng khoán lại liên tục tăng điểm nên một số người kịp thu lợi chuyển kênh đầu tư sang BĐS để tăng độ an toàn; Ngoài ra, một số ý kiến tỏ ra nghi ngờ về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn trung-dài hạn cho các DN để đầu tư vào SXKD sẽ không như kỳ vọng mà có khi lại ngầm đầu cơ vào thị trường BĐS?…
Nhà chung cư liệu có “sốt” đột biến?
Diễn biến thị trường BĐS Hà Nội trong thời gian sắp tới sẽ như thế nào? Giá cả các lô đất liền kề, biệt thự hay nhà chung cư tiếp tục tăng hay giảm là một bài toán khó giải. Bởi điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng để thị trường BĐS quá "nóng" hay quá "lạnh" đều ảnh hưởng không tốt đếnsự phát triển kinh tế toàn diện của đất nước. Một trong những yếu tố quan trọng là vấn đề quản lý thị trường bất động sản. Sự hỗn loạn của thị trường BĐS vừa qua đã thể hiện công tác quản lý của chúng ta còn yếu kém, măc dầu chúng ta đã có nhiều nghị định, luật về việc này. Hơn nữa vẫn còn một khoảng cách lớn giữa thực tế sinh động của thị trường và các nghị định, luật… chắc phải mất một thời gian thực hiện mới mong thị trường BĐS minh bạch hơn.
Nhìn chung từ nay đến cuối năm sẽ không có “sốt” đột biến - đó là nhận xét của ông Nguyễn Đỗ Việt - Chánh văn phòngTập đoàn Nam Cường. Khách hàng sẽ sàng lọc kỹ càng hơn trước khi ra quyết định đầu tư, các dự án có quy hoạch tổng thể, có sự phát triển hạ tầng đồng bộ sẽ được tập trung đầu tư hơn. Hiện tại, giá căn hộ tại các toà nhà do Vinaconex làm chủ đầu tư tại khu vực Trung Hoà Nhân Chính cũng khó có đột biến và tăng thêm do người mua đang dè dặt. Ông Yip Hoong Mun trưởng đại diện Công ty CapitaLand (Vietnam) Holding Pte., Ltd cho rằng không có sốt ảo ở khu vực phía tây Hà Nội và rất khó dự đoán mức giá của bất động sản sẽ lên cao như thế nào. Giá đất phụ thuộc vào cung - cầu. Chừng nào mà cung còn ít hơn cầu thì giá sẽ vẫn còn cao và khi có thêm đất cho thị trường thì giá sẽ có sự ổn định. Hơn nữa, chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ cũng sẽ tác động lớn đến mặt bằng giá chung của thị trường vì giá bán của nhà ở xã hội chỉ khoảng 7 triệu/m2 . Tất nhiên ở một phân khúc thị trường nhà chung cư cao cấp hơn với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cùng với sự lớn mạnh của các nhà đầu tư trong nước, thị trường sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm tốt hơn và theo đó giá cũng sẽ cao hơn. Ở các dự án khu chung cư như khu đô thị Tân Tây Đô với vị trí đắc địa có đầy đủ hạ tầng cơ sở điện nước, trường học, bệnh viện, thương mại… cộng thêm các chỉ số kỹ thuật, thiết kế hoàn hảo, tiến độ thực hiện dự án nhanh sẽ là nơi đáng quan tâm của các nhà đầu tư và vì thế giá có thể “sốt” nhẹ.
(Theo Minh Bắc // Hanoimoi Online)