Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội sắp có giải pháp đột phá

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội sắp có giải pháp đột phá
Trên địa bàn Hà Nội hiện có koảng 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ ( 1-3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2.

Sau hơn 11 năm phát động kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, đến nay số chung cư cũ được triển khai cải tạo vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có koảng 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ ( 1-3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2. Trong đó, cơ quan quản lý nhà đất của thành phố quản lý, ký hợp đồng cho các hộ gia đình thuê để ở với diện tích nhà ở khoảng 1,8 triệu m2. Ngoài ra, còn các khu tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản đang và sẽ phải bàn giao cho thành phố, nằm rải rác, xen kẽ trong các khu phố.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là với hàng loạt văn bản, quyết định kèm nhiều chính sách ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người dân sống tại các chung cư, song trong ngần đấy thời gian, các cấp chính quyền lẫn cơ quan chuyên môn của Hà Nội dường như vẫn bế tắc trong việc cải tạo chung cư cũ bởi những xung đột lợi ích giữa các bên.

Điển hình là dự án cải tạo khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng). Đây một trong những dự án thí điểm của Hà Nội về cải tạo chung cư cũ, song sau hơn 3 năm phê duyệt, dự án mới chỉ có thể khởi công được khu N3 vào tháng 3 vừa qua do những vướng mắc về giải phóng mặt bằng cũng khó tìm được tiếng nói chung giữa chủ đầu tư với các hộ dân.

Một dự án cải tạo khác cũng thuộc loại “rùa bò” là khu chung cư cũ Giảng Võ (quận Ba Đình). Đây là dự án điển hình cho những bất cập của việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội, bởi trong số 22 chung cư cũ tại đây, mới có 3 khu nhà đang được triển khai cải tạo, trong đó chỉ có nhà C7 đã xây dựng xong phần thô. Còn dự án nhà B6, sau khá nhiều năm di dời dân song mới hoàn thành phá dỡ, đang trong giai đoạn thi công phần ngầm và đang hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng. Số còn lại gồm 19 khu nhà đã được giao nghiên cứu lập quy hoạch từ giai đoạn 2007-2009, nhưng đến nay các đơn vị được giao vẫn chưa thỏa thuận được các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch mặt bằng tổng thể, phương án kiến trúc sơ bộ.

Với khu chung cư C1 Thành Công, mặc dù được thành phố đánh giá là ở vào tình trạng “cực kỳ nguy hiểm” nếu các hộ dân vẫn sinh sống tại đây, song do sau hơn 2 năm di dời đi nơi khác nhưng chủ đầu tư vẫn chưa động tĩnh gì, mới đây một số hộ dân tại khu chung cư này đã quay lại cho thuê căn hộ của mình nhằm tránh… lãng phí. Sự việc này sau đó đã được chủ đầu tư “tố” lên UBND thành phố, song đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Trước thực tế chậm trễ đó, mới đây, trong phiên họp thường kỳ, tập thể UBND thành phố Hà Nội đã phải dành nhiều giờ đồng hồ để xem xét, cho ý kiến về một số biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn.

Điểm đáng chú ý trong lần họp bàn này là các cơ quan chức năng của thành phố đã đưa ra 4 nhóm biện pháp để cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, trong đó đáng chú ý là giải pháp thực hiện cơ chế đầu tư với bước đột phá là cho phép người dân trong phạm vi dự án góp vốn tham gia thực hiện dự án bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ.

Trao đổi với VnEconomy, ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty HUD3, nói đề án cải tạo chung cư cũ của Hà Nội đã có hơn chục năm nay, song việc triển khai lại quá chậm. Do đó, với đề xuất cho người dân trong phạm vi dự án được góp vốn tham gia thực hiện đự án bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ, là một giải pháp khả thi, trong đó sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các chủ đầu tư.

“Việc tham gia cải tạo chung cư cũ vốn phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo của thành phố đã làm nản lòng nhiều doanh nghiệp bất động sản. Do đó, khi mà người dân thiết tha được cải tạo thì các doanh nghiệp dường như lại bỏ của chạy lấy người hết”.

Ông Sơn cho hay, doanh nghiệp này cũng đã từng tham gia cải tao hai khu chung cư cũ D2 và C7 tại Giảng Võ, song tính ra chẳng có lợi lộc gì. Thị trường bất động sản hiện nay đang đi xuống, nếu không có những giải pháp đột phá thì khó có thể kêu gọi được các doanh nghiệp cùng vào cuộc.

Còn theo ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Thủ đô, việc cho phép người dân góp vốn vào dự án thông qua chuyển quyền sở hữu căn hộ là một giải pháp “hay” của Hà Nội. Tuy nhiên, ẩn số đổi lại là cơ quan quản lý phải kiểm soát được tỷ lệ phân chia theo cổ phần khi cho phép các cổ đông bên ngoài tham gia góp vốn, tránh những lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, rủi ro đối cũng có thể đến với các chủ đầu tư là khi có nhiều cổ đông cùng tham gia vào dự án dưới dạng góp vốn thì sẽ khiến cho việc quản lý dự án thêm phức tạp, đẩy chi phí lên.

Còn về cơ bản, việc cho phép chuyển nhượng quyền sở hữu này sẽ đem lại lợi ích cho chính các người dân trong khu vực dự án cũng như những người đang có nhu cầu về nhà ở.

(Theo Vneconomy)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!