Căn hộ cao cấp Phú Mỹ. |
Hàng loạt căn hộ cao cấp sắp được tung ra thị trường, báo hiệu một cuộc chạy đua khốc liệt giành thị phần. Tuy nhiên, dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn chưa có gì khởi sắc dù nhiều dự án đã “kích cầu” giảm giá.
Dự báo một cuộc chạy đua
Sự trầm lắng của thị trường căn hộ cao cấp tiếp tục thách thức bởi các chính sách giảm giá của các đại gia, thậm chí không ít nhà đầu tư “cắn răng” giảm giá để cắt lỗ.
Chị L. đang bán căn hộ Phú Mỹ Thuận (Nhà Bè) với giá 8,9 triệu/m2, nhưng khi đề nghị giảm thêm chị nhất quyết không giảm dù một đồng. Chị than thở, lúc mua, thị trường đang đi xuống cứ tưởng giá 13,5 triệu/m2 là được rồi vì trước đó vài tháng họ còn tranh nhau mua căn hộ này với giá 17 triệu/m2. Ai ngờ!... Tính ra với căn hộ 90m2 chị đã lỗ hơn 400 triệu đồng.
Có những đại gia “ôm” đến 10 căn hộ cao cấp, giờ đây như ngồi trên đống lửa với các khoản nợ ngày càng chồng chất, còn căn hộ bán chẳng ai mua, người thuê cũng không màng đến.
Cuộc chạy đua xây dựng và kinh doanh căn hộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đến hậu quả của cuộc khủng hoảng thừa phân khúc thị trường này.
Theo số liệu của các công ty nghiên cứu, tư vấn bất động sản trong 1-2 năm tới có khoảng 10.000 căn hộ cao cấp sẽ được hoàn thành và chào bán ra thị trường. Chỉ tính riêng địa bàn quận 2 có đến 8 dự án căn hộ cao cấp nhưng chỉ có dự án River Garden giao dịch khá sôi động với giá 1.350 - 1.400 USD.
Hay như quận 11 xa trung tâm thành phố cũng hứa hẹn là một “trung tâm cao ốc” với Flemmington, XI Grand Cout, The Everrich và Lugia Plaza.
Cuộc “đổ bộ” của hàng loạt dự án này dự báo sẽ có một cuộc chạy đua khốc liệt giành thị phần căn hộ cao cấp giữa các chủ đầu tư trong thời gian tới.
Các chiêu thu hút khách hàng như mua nhà trúng xe hơi, tặng nội thất, giảm giá, cho vay ưu đãi đã được chủ đầu tư đưa ra. Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc mua một căn hộ vài tỷ đồng sẽ được người mua cân nhắc kỹ lưỡng.
Anh Nguyễn Thanh Lê, khách hàng mua nhà tại siêu thị địa ốc ACB nhận xét, thay vì bỏ ra số tiền 2-3 tỷ đồng cho một căn hộ 100m2, anh sẽ mua được một căn nhà trong hẻm ở gần trung tâm thành phố. Cuộc sống tự do và thoải mái, hơn nữa lại tránh những tranh chấp không đáng có giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Chưa nắm bắt được nhu cầu thật
Phân tích đánh giá của các chuyên gia cho thấy, cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản là tất yếu bởi nó đã vận hành không theo quy luật của thị trường mà bị bóp méo, làm sai lệch thông tin giá trị thật, dẫn đến những làn sóng sốt ảo căn hộ.
Căn hộ cao cấp Phú Mỹ (quận 7), đến nay vẫn chưa giao nhà nhưng nếu mua thì có những căn hộ đang sang tên đến 6-7 đời chủ. Giá khởi điểm của loại căn hộ này vào khoảng 11-12 triệu/m2, giá vào thời điểm sốt đất là 35 triệu/m2, cho đến bây giờ đã bị kéo xuống còn khoảng 20 triệu/m2.
Theo nhận xét của giới đầu tư với giá 20 triệu/m2 là hợp lý nhất và người mua chấp nhận được. Không ít nhà đầu tư đã mất bạc tỷ khi mua căn hộ này.
Xét về khách quan, đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động rất lớn đến thị trường bất động sản trong nước. Dòng vốn nước ngoài bị giảm sút mạnh, nhu cầu thuê căn hộ của người nước ngoài cũng không còn nhiều như dự báo dẫn đến thị trường cho thuê căn hộ, nhà biệt thự trở nên ảm đạm.
Tuy nhiên, nguyên nhân của sự lệch pha thị trường bất động sản nằm ở chỗ các doanh nghiệp bất động sản trong nước không hề quan tâm nghiên cứu nhu cầu thị trường bất động sản. Điển hình nhất là phân khúc nhà giá rẻ hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ. Những loại căn giá vừa phải trên dưới 10 triệu/m2 như E.Home (quận 9), Lê Thành (quận 11), được bán khá mạnh trên thị trường nhưng rất ít công ty tham gia đầu tư xây dựng.
Đối với đa phần công chức, nhân viên trẻ thì căn hộ trên dưới 500 triệu đồng họ có khả năng xoay xở tiền để mua. Lý giải vấn đề này, một giám đốc công ty địa ốc cho rằng, làm nhà giá rẻ lời ít vì một dự án cũng tốn từng đó chi phí và thời gian, nhưng căn hộ cao cấp thì bán bằng tiền đô với giá gấp 2-3 lần.
Ông Nguyễn Nguyên Thái, Phó Giám đốc Công ty tư vấn bất động sản CBRE, cho rằng, từ trước đến nay, các công ty bất động sản Việt Nam thường chỉ cần có tiền là làm dự án.
Trong khi đó, những công ty bất động sản nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư đều nghiên cứu thị trường, nhất là điều tra nhu cầu nhà ở của người dân.
Theo ông Thái, ở Việt Nam, chỉ những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng mới quan tâm nghiên cứu thị trường trước khi thực hiện dự án mới. Nghiên cứu thị trường sẽ nhận ra được xu hướng của khách hàng, qua đó sẽ thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu vả khả năng tài chính của họ.
Rất nhiều báo cáo đánh giá cho rằng, thị trường căn hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất tiềm năng nhưng cụ thể như thế nào, nhu cầu thực sự và khả năng của người mua ra sao vẫn chưa ai giải thích được. Điều đó cho thấy thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong những năm tới./.
(Theo Tin Tức/ Vietnam+)