Cùng với sự sôi động của thị trường BĐS ở các đô thị lớn thì thời gian gần đây, nhiều vùng quê vấn đề đất đai cũng đang sôi lên từng ngày. Tuy nhiên, việc “sốt” hay “đóng băng” lại gần như hoàn toàn phụ thuộc vào tâm lý người dân.
Người dân đua nhau “trữ đất”. Ảnh: TL
Vùng quê Đông Anh của huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hoá) cách TP Thanh Hoá khoảng 7km cũng đang râm ran chuyện bán đất. Ngay như cái ao và mảnh vườn nhỏ khoảng hơn 100m2 của nhà tôi có đến 6 - 7 khách đến gạ mua với giá 70 triệu đồng. Gia đình tôi đã chối từ với lý do phải để cả ao vườn cho ra thôn quê, thế mà mấy vị khách cũng là người trong làng đã gầm ghè chửi nhau vì tội “mua tranh, bán cướp”. Chẳng hiểu sao cái khoảng đất “cóc gặm” méo xệch méo xoạc nhà tôi lại có giá thế. Cách đây 15 năm, mẹ tôi đã đổi nó bằng một tạ thóc, biết chuyện bao nhiêu người nói “sao ngu thế, mua đắt quá, chắc nhà nó thừa tiền”.
Trước đây, mỗi hộ ở quê tôi có đến 2 sào đất nhà và vườn, chưa kể nhà nào có ao diện tích còn rộng hơn nhiều. Việc người dân phân lô bán đất trên chính diện tích đất ở của mình chỉ mới xuất hiện cách đây vài năm. Thời đó, cách tính của người quê rất đơn giản, chỉ tính chiều ngang mà không tính tổng diện tích, ấy là thời đầu tiên đất còn rẻ (khoảng 20 - 30 triệu cho 1m mặt tiền). Có nhà bán đất lấy tiền cho con ăn học, cũng có nhà bán lấy tiền sửa nhà, nhưng giờ đây khi “tấc đất, tấc vàng” thì nhiều người đã tính đến chuyện mua đi, bán lại. Trước hiện tượng này tôi tìm gặp một số hộ dân và được biết có thông tin chuẩn bị mở rộng QL45 nên người dân mua đất bám mặt đường để “dự trữ”, nhiều người không đủ tiền để “trữ” đất mặt đường thì vào trong xóm để mua. Nhưng khi hỏi tin đó do ai công bố thì tất cả đều “nghe nói”.
Hiện tại, đất bám dọc QL45 đi sân bay Sao Vàng hoặc thuỷ điện Cửa Đạt cũng có giá từ 2,5 - 4 triệu đ/m2. Với mức giá này, đất quê cũng ngang ngửa với một số khu nội thị trong TP Thanh Hoá. Giải thích cho hiện tượng đất quê lên giá là do tại địa phương có nhiều người đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ở các vùng kinh tế khác có thu nhập cao, trở về quê mua đất bám mặt đường để xây nhà. Chẳng thế mà các xã đã kịp làm quy hoạch “biến” đất ruộng thành đất ở với lý do lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương. Người dân có đất bị thu hồi được đền bù từ 10 - 15 triệu đ/sào, tương đương với 200 - 300 ngàn đ/m2 và một năm sau khi thu hồi, xã đã bán với giá hơn trăm triệu, rồi cứ thế chỉ trong vòng chưa đầy một năm tiếp theo giá đã vọt lên 3 - 4 triệu đ/m2.
Điều đáng nói là nhu cầu ở thì ít mà đầu cơ thì nhiều, những nhà mua đất đều đã có chỗ ở đàng hoàng. Người TP cũng không hiểu sao người quê lại có thể “ném” vài trăm triệu vào những lô đất bám mặt đường đang lầy lụt bùn đất. Người quê thì luôn hy vọng có đất bám mặt đường chính là có “con gà đẻ quả trứng vàng” bất chấp mọi lời khuyên can của những người xung quanh. Và có lẽ cơn sốt đất đang bắt đầu lan từ thành thị về nông thôn, bất chấp mọi lời cảnh báo về đất quê lên cơn sốt ảo.
( theo Thanh Uyên // báo xây dựng )