Những tháng cuối năm, người dân Hà Nội lại đổ xô về khu vực bờ bắc sông Hồng để mua bán nhà đất, trong đó không ít người là giới đầu cơ, khiến thị trường khu vực này trở nên sôi động.
Dù đã tăng giá gần gấp đôi, chung cư tại KĐT Việt Hưng vẫn cháy hàng. Ảnh: Phạm Yên |
Các văn phòng nhà đất theo đó nóng lên và nhao theo thị hiếu của người dân. Anh Thành, phụ trách một văn phòng thông tin nhà đất trên đường Nguyễn Văn Cừ cho biết, lượng khách có nhu cầu tăng lên 2-3 lần so với trước, và rộ lên mấy tháng cuối năm.
“Nguyên nhân chủ yếu là do nhà đất khu vực bên này sông vẫn còn khá rẻ, có thời kỳ chững lại so với mặt bằng chung của thành phố, nhất là từ khi Hà Nội phát triển mở rộng phía tây. Gần đây, quận Long Biên có nhiều dự án đầu tư hạ tầng, đường sá mở rộng thuận tiện hơn, nên nhiều người hướng sang bờ bắc là điều dễ hiểu”- Anh Thành nhận định.
Phân tích của giới buôn bán bất động sản cho thấy, hiện giá nhà đất ở quận Long Biên tuy có tăng lên nhưng ở mức chấp nhận được, cũng ít có chuyện đội giá lên quá cao. Chẳng hạn, khoảng 3-4 tháng trước với số tiền khoảng 600 triệu đến dưới một tỷ đồng đã có thể mua một căn nhà 1 tầng, diện tích khoảng 30-40m2 trong ngõ. Nhưng nay, giá nhà đất đã nhích lên một hai trăm triệu.
“Tôi vừa bán một căn nhà 40m2, giá 20 triệu đồng/m2 thì có người đến trả 25 triệu đồng/m2, tiếc hùi hụi”- Bà Hoa ở khu vực hồ Tai Trâu cho biết. Hai tháng nay, tin hồ được kè lại cùng với mở rộng vòng xuyến cầu Long Biên, nhà đất sốt trông thấy. Giá đất tăng lên, nhiều người găm lại không bán nữa. Phổ biến nhất vẫn là giá nhà từ 1-3 tỷ đồng hoặc cao hơn, có diện tích khoảng 50 - 80m2 tùy vị trí, ngõ rộng hay hẹp cũng như hạ tầng có thuận tiện hay không.
Ngay nhà đất phía ngoài đê sông Hồng (phường Ngọc Thụy) cũng tăng lên trông thấy. Hồi giữa năm, giá đất ở đây vào khoảng 6-7 triệu đồng/m2 (ngõ rộng 1,5-2m), và khoảng 12-17 triệu đồng/m2 (ô tô đỗ cửa). Nhưng nay giá đất hầu như đã tăng gấp đôi, cho dù đất ngoài đê rất khó xây dựng mới, xây nhiều tầng do vướng các quy định về quản lý đê điều (phải có thỏa thuận của Sở QH-KT và Sở NN&PTNT).
Cùng với đó, đất nông nghiệp xen kẹt, đất nằm trên các trục đường chuẩn bị mở rộng cũng được nhiều người săn lùng, đẩy giá lên cao 2-3 lần. “Có vị trí đất nông nghiệp được rao bán với giá 20 triệu đồng/m2, đắt hơn cả đất ở”- một cán bộ quản lý đô thị quận Long Biên cho biết. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một số trường hợp cá biệt, nhiều rủi ro.
Lý do tăng
Một trong những nguyên nhân làm cho thị trường nhà đất bờ bắc sông Hồng nóng lên là do có nhiều dự án hạ tầng mới được đầu tư. Theo lãnh đạo quận Long Biên chỉ 1-2 năm nữa, khu cửa ngõ phía bắc Thủ đô này sẽ phát triển hơn hiện nay rất nhiều.
Chủ tịch quận Long Biên Vũ Đức Bảo cho biết, những tuyến đường lớn sẽ được mở ra như đường 40m Ngọc Thụy - Thạch Bàn, đường 21m và 48m từ Vành đai 3 đi khu đô thị Việt Hưng. Cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì đã xong, các dự án cầu Tứ Liên, Nhật Tân, Phù Đổng chuẩn bị triển khai, góp phần nối gần hơn nữa Long Biên với nội thành, cơ bản khắc phục ách tắc giao thông. Đường Ngô Gia Tự cũng đang mở rộng tới trên 50m sẽ sớm hoàn thành vào năm 2010.
Các khu đô thị mới tiếp tục hình thành như Thạch Bàn (28ha), Sài Đồng (60ha). KĐT Việt Hưng (220 ha) sẽ xây dựng, hoàn thiện thêm hạ tầng và khu giãn dân phố cổ Hà Nội... “Đó là những yếu tố tạo nên sự thu hút, hấp dẫn đối với khu vực cửa ngõ phía bắc Thủ đô”- Ông Đàm Văn Huân, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Long Biên nhận xét.
Theo quy hoạch chung thủ đô mở rộng đến năm 2030 tầm nhìn 2050, toàn bộ khu vực phía bắc từ Long Biên đến Sóc Sơn sẽ được quy hoạch lại. Đó là dải đô thị bao gồm Đông Anh- Gia Lâm - Mê Linh kéo đến Sóc Sơn. Trong khung giá đất mới, giá đất khu vực một số tuyến đường lớn quận Long Biên tăng 21% so với năm 2009. |
(Theo Nguyễn Tuấn // Tienphong Online)