Cơ hội để những người có nhu cầu thực sự về nhà ở sở hữu tài sản đang cần sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh |
Mặc dù các ngân hàng tiếp tục bắt tay với các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trong việc triển khai chương trình hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân vay mua căn hộ, nhà ở… nhưng khác với trước, các khoản vốn hỗ trợ, thời hạn cho vay đã được giảm dần.
OceanBank và InvestCo vừa ký hợp đồng tài trợ vốn cho dự án Khu dân cư Hưng Phú, quận Thủ Đức, TP. HCM do InvestCo làm chủ đầu tư. Theo đó, khách hàng mua nhà tại khu dân cư này sẽ được OceanBank cho vay lên đến 80% giá trị căn nhà trong thời hạn 10 năm. Vietcombank, Techcombank, LienViet Bank cũng vừa có hợp tác với CTCP Thế giới căn hộ hỗ trợ tài chính cho khách hàng đến mua căn hộ thông qua sàn giao dịch bất động sản Thế giới căn hộ. Đối với dự án E.home 2 của Nam Long (quận 9, TP. HCM) của Công ty Nam Long, VietA Bank cũng là nhà tài trợ vốn cho khách hàng mua căn hộ dự án này. Tương tự, Maritime Bank cũng là Ngân hàng đã ký hợp tác với một số chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư cao cấp tại TP. HCM, với mục đích mở rộng tín dụng cá nhân…
Sở dĩ các ngân hàng muốn mở rộng loại hình tín dụng này, vì khá tiềm năng và nguồn thu từ sản phẩm này đóng góp khá cao vào tổng lợi nhuận. Maritime Bank cho biết, trong tổng lợi nhuận của 11 tháng đầu năm, nguồn thu từ sản phẩm cho vay mua, sửa chữa nhà đã đóng góp tới 882 tỷ đồng. Vì vậy, Ngân hàng muốn xem đây là sản phẩm chủ đạo.
… nhưng lọc kỹ hơn
Song do sức ép về huy động vốn ngày càng gia tăng và người gửi tiền chủ yếu chọn kỳ hạn ngắn ngày. Đồng thời, với quy định của NHNN về việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30%, trong khi tín dụng mua, sửa chữa nhà trả góp thường là vốn cho vay trung, dài hạn nên nhiều ngân hàng đã không còn đưa sản phẩm cho vay mua nhà trả góp làm chủ đạo.
Do nguồn vốn huy động về hạn chế nên VietA Bank cho biết, không có chủ trương đẩy mạnh phát triển tín dụng bất động sản và kể cả mua nhà trả góp. Tổng giám đốc Vietcombank ông Nguyễn Phước Thanh cũng biết, theo chỉ đạo của Chính phủ tập trung vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nên Ngân hàng đang thu hẹp dần vốn đối với tín dụng cá nhân.
Đáng chú ý là với tín dụng cầm cố và kinh doanh bất động sản, tiêu dùng Vietcombank không có chủ trương đẩy mạnh vốn hỗ trợ khách hàng cá nhân.
ACB, Maritime Bank cũng cắt giảm thời hạn tài trợ vốn cho vay mua, nhà đất trả góp. Tại ACB thời hạn tối đa trong việc tài trợ vốn cho khách hàng mua nhà trả góp còn 7 năm, thay vì lên đến 10 – 15 năm như 3 quý đầu năm nay. Đồng thời, hạn mức vốn vay chỉ cấp tối đa 70% tổng giá trị tài sản đảm bảo, nhằm hạn chế rủi ro.
Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, để phát triển tín dụng mua nhà, đất trả góp trong lúc này không còn dễ đối với các ngân hàng. Bởi ngoài các quy định trên thì hiện với những khách hàng đã có nhà đem thế chấp vay vốn mua, sửa chữa nhà khác cũng không được áp dụng lãi suất thỏa thuận. Vì vậy, với giá vốn đầu vào đang tăng hiện nay chắc chắn nhà băng phải tính toán lại.
Ngoài ra, việc thực hiện yêu cầu của Thống đốc là cuối tháng 12, các ngân hàng phải điều chỉnh những hợp đồng đã ký với khách hàng (đã có 3 – 4 căn nhà) vay vốn mua, sửa chữa nhà trả góp về mức trần lãi suất cho vay hiện hành như DN, thay vì áp dụng lãi suất thỏa thuận khiến vốn vay cho lĩnh vực này thêm khó.
Trong khi, nhu cầu của khách hàng về vốn để mua nhà trả góp ngày một gia tăng. Đặc biệt là khi giá nhà đất đã giảm xuống mức khá hợp lý trong những tháng đầu năm 2009 và kéo dài đến nay. Đây được xem là cơ hội để những người có nhu cầu thực sự về nhà ở sở hữu tài sản dưới sự hỗ trợ tài chính từ phía ngân hàng.
(Theo Vân Linh // Báo đầu tư)