Khu đất 462 – 464, Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: S.T |
“Đất vàng” của ai?
Khu đất số 462 – 464, đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 2, quận 3) được xếp vào danh sách 6 khu “đất vàng” của TP.HCM. Từ năm 2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã nhiều lần trình UBND và HĐND Thành phố kế hoạch đấu thầu, hoặc giao thầu để chọn chủ đầu tư thực hiện dự án trên “đất vàng” này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kế hoạch vẫn chưa thực hiện được, do vướng về quyền sở hữu khu đất, cũng như khả năng thất thoát ngân sách trong việc giao thầu chọn chủ đầu tư.
Theo Biên bản Thanh tra ngày 4/12/2009 của UBND TP.HCM, khu đất 462 – 464, đường Nguyễn Thị Minh Khai (rộng 1.182 m2) hợp thành từ 2 biệt thự của 2 gia đình ông Lê Văn Tưởng và gia đình ông Cao Tôn Hồng - bà Cao Thị Phượng. Năm 1992, ông Chan Ming Chuen, Giám đốc Công ty Artkins Property Agency Limited (Hongkong) và Liên hiệp Khoa học dịch vụ công nghệ và sản xuất (PTC) đã mua lại 2 biệt thự này, đồng thời bồi thường cho chủ nhân 600.000 USD. Số tiền bồi thường này được Artkins Property Agency Limited chuyển cho PTC từ Hongkong (theo biên lai chuyển tiền của HSBC Hongkong qua tài khoản của PTC Chi nhánh TP.HCM).
Ngày 6/9/1994, PTC và Artkins được ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy phép đầu tư số 979/GP để đầu tư xây dựng Dự án cao ốc văn phòng cho thuê tại khu đất kể trên, với số vốn pháp định 2,58 triệu USD (Artkins góp 70% bằng vật tư, thiết bị và tiền mặt; PTC góp 30% bằng giá trị ngôi biệt thự số 462 - Nguyễn Thị Minh Khai). Như vậy, về thực chất, phần lớn vốn góp để hình thành Liên doanh PTC – Artkins và Dự án cao ốc văn phòng trên khu đất số 462 – 464, đường Nguyễn Thị Minh Khai là do Artkins đầu tư.
Kế hoạch “qua cầu, rút ván”!
Sau khi Arkins thực hiện các nghĩa vụ tài chính để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án trên khu đất 462-464, Nguyễn Thị Minh Khai, theo đơn khiếu nại của Arkins gửi UBND TP.HCM, PTC đã tự ý bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Liên doanh; sử dụng và cho thuê mặt bằng quá thời hạn mà HĐQT Liên doanh cho phép; không lập báo cáo tài chính cho HĐQT Liên doanh. Không những thế, bấp chấp sự phản đối từ phía HĐQT Liên doanh, PTC còn chuyển văn phòng của mình về khu đất của Liên doanh và chiếm dụng mặt bằng Dự án từ đó đến nay.
Trước việc này, ngày 4/1/2005, UBND TP.HCM có Quyết định 09/QĐ–UB chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh của Liên doanh PTC – Artkins. Điều đáng nói là, gần 1 tháng sau khi Quyết định 09/QĐ-UB có hiệu lực, ông Lê Quang Minh (Phó trưởng Phòng Doanh nghiệp nước ngoài - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) mới bàn giao Quyết định 09/QĐ–UB cho đại diện Liên doanh PTC – Artkins.
Sau khi nhận Quyết định 09/QĐ–UB, ngày 3/2/2005, Artkins đã làm đơn khiếu nại lên UBND Thành phố. Tuy nhiên, đến ngày 6/9/2005 (tức gần 7 tháng sau), UBND TP.HCM mới có Quyết định 4630/QĐ - UBND bác đơn khiếu nại của Artkins.
Nguy cơ trắng tay cùng Dự án
Cho rằng, bị PTC gây khó dễ trong triển khai Dự án, ngày 23/9/2005, Artkins đã ký hợp đồng chuyển nhượng 70% vốn góp của Artkins trong Liên doanh PTC – Artkins cho Công ty TNHH Tân Thành và ủy nhiệm cho Tân Thành toàn quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến Liên doanh PTC – Artkins.
Theo bà Dương Thị Việt Thành, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành, kể từ ngày 23/9/2005, Tân Thành đã thay Artkins thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh với các đối tác, cũng như với Nhà nước trong quá trình hoạt động của Artkins tại Liên doanh PTC – Artkins. Tân Thành cũng đóng tiền sử dụng khu đất số 462 – 464, đường Nguyễn Thị Minh Khai từ đó đến nay.
Trên cơ sở này, ngày 31/12/2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Văn phòng đại diện tại số 464 - Nguyễn Thị Minh Khai cho Công ty TNHH Tân Thành.
Sau đó, Tân Thành đã xúc tiến việc Thành lập Công ty cổ phần Nam Khánh (Tân Thành góp 30% vốn điều lệ) để thực hiện nội dung dự án của Liên doanh PTC - Artkins trước đây. Ngày 23/1/2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty Nam Khánh có trụ sở chính đặt tại số 462 – 464, Nguyễn Thị Minh Khai.
Tuy nhiên, trong khi Công ty TNHH Tân Thành và Công ty cổ phần Nam Khánh đang xúc tiến thực hiện Dự án trên khu đất 462-464, Nguyễn Thị Minh Khai, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM lại xếp khu đất này vào danh sách các khu “đất vàng” của Thành phố để đưa ra đấu thầu, hoặc giao thầu cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.
Theo Biên bản làm việc giữa Công ty TNHH Tân Thành và Công ty cổ phần Nam Khánh với Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM ngày 16/12/2009, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Công ty Tân Thành và Công ty Nam Khánh đã vi phạm hành chính khi đăng ký địa chỉ văn phòng đại diện và trụ sở công ty, mà địa chỉ này không thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Việt Thành, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành và ông Trần Quốc Khánh, Tổng giám đốc CTCP Nam Khánh, với những tài liệu, hồ sơ, chứng từ mà các công ty này đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư ngày 31/7/2008 (bao gồm Hợp đồng chuyển nhượng vốn của Artkins cho Tân Thành, biên lai thu tiền sử dụng đất của Cục Thuế TP.HCM, cùng nhiều văn bản giấy tờ có liên quan - đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM báo thất lạc), thì các doanh nghiệp này hoàn toàn có quyền đặt văn phòng đại diện và trụ sở công ty tại địa chỉ 462-464, Nguyễn Thị Minh Khai.
Nếu xếp khu đất 462 – 464, Nguyễn Thị Minh Khai vào danh sách 6 khu “đất vàng” theo như đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thì nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắt trắng hàng triệu USD.
(Theo Quang Hưng // Báo đầu tư)