Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khung giá đất Hà Nội 2010 còn xa mới sát giá thị trường

Khung giá đất 2010 được HĐND TP Hà Nội thông qua sáng nay giúp người dân bị thu hồi đất được bồi thường cao hơn, song cũng có ý kiến cho rằng, để khung giá đất thực sự sát với thị trường cần có lộ trình nhất định.

Ngày 11/12, HĐND TP Hà Nội thông qua khung giá đất năm 2010 trên địa bàn, về cơ bản, vẫn giữ nguyên theo dự thảo với mức cao nhất nội thành 81 triệu đồng mỗi m2. Theo đó, khung giá đất áp dụng từ 1/1/2010 tăng từ 21 đến 40% tùy vị trí tuyến đường và tùy loại đất. Giá đất ở tại các quận nội thành cũ như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên được điều chỉnh tăng 21%. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào là 81 triệu đồng mỗi m2.

Riêng quận Hà Đông sẽ được điều chỉnh tương đương với mặt bằng giá của vùng giáp ranh quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm. Một số trục đường giao thông lớn tại quận Hà Đông sẽ tăng tối đa tới 40%. Đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cơ bản giữ nguyên bảng giá đất năm 2009.

Giao dịch nhà đất trên thị trường Hà Đông và một số khu vực nội thành trong thời gia qua trở thành điểm nóng trên thị trường dẫn đến khung giá đất buộc phải thay đổi để sát với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khung giá đất có ưu điểm là tăng mức đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân nhưng vẫn... còn xa mới sát với giá thị trường.

Đại biểu Trần Văn Thanh (Long Biên) nhấn mạnh, khung giá đất mới chưa công bằng đối với nhiều người dân bởi trên thực tế Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng thì mọi khu vực có giá trị tương đương nhau. Giá đất bồi thường chưa sát với giá thị trường dẫn đến người dân chịu nhiều thiệt thòi. Theo ông Thanh, không nên tăng bình quân tất cả các khu vực mà cần dựa vào tình hình thực tế. Địa phương nào có giá đất tăng trên thị trường thì khung giá mới cần phải điều chỉnh theo để đảm bảo công bằng cho người dân trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Thanh đưa ra minh họa, đường Ngô Gia Tự giá đất trên thị trường là 40-50 triệu đồng mỗi m2 nhưng khung giá đất chỉ là 18 triệu. Ăn theo cây cầu Vĩnh Tuy, giá đất khu vực Sài Đồng cũng leo thang chót vót trở thành điểm nóng trên thị trường nhưng mức giá đền bù chỉ ở mức khiêm nhường 12 triệu đồng mỗi m2. Theo ông Thanh, để sát với thị trường, các khu vực này cần phải tăng lên 20% đảm bảo quyền lợi của người dân.

Phó chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ nhấn mạnh, để thực hiện khung giá đất sát thị trường không đơn giản, cần có lộ trình nhất định. Trên thực tế, luôn có mâu thuẫn là người dân muốn nộp thuế ít nhưng lại mong được bồi thường cao trong quá trình giải phóng mặt bằng. Ông Nhuệ đặt ra câu hỏi, khái niệm khung giá sát thị trường cũng cần phải làm rõ. "Khung giá đất mới áp cao nhất là 81 đồng mỗi m2 nhưng trên thực tế, đất trên thị trường tự do không có khái niệm giá trần. Tôi cho rằng cần phải hiểu một cách linh hoạt khái niệm giá thị trường", ông Nhuệ nói.

Cũng theo ông Nhuệ, khi nghiên cứu về giá đất, các bộ ban ngành liên quan cần có mức giá chi tiết cụ thể cho từng tuyến đường, tránh trường hợp bỏ sót. "Hai đường phố gần nhau không thể có giá đất khác nhau. Cần quản lý chặt để tránh thất thu thuế, đảm bảo công bằng cho người dân mà vẫn tăng thu ngân sách", ông Nhuệ nhấn mạnh.

Khung giá đất tăng tới 40% ở một số trục phố lớn của quận Hà Đông cũng khiến không ít nhà đầu tư lo ngại. Trong khi Hà Đông đang tập trung nhiều dự án khu đô thị mới, giá đền bù cho người dân quá cao sẽ khiến dự án không hoàn thành đúng tiến độ do chủ đầu tư không có khả năng tài chính.

Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội cho hay, mặt tích cực của khung giá đất mới là giúp người bị thu hồi đất được bồi thường theo khung giá sát với các giao dịch thực tế. Theo ông Bền, đây là cơ hội tốt để các chủ đầu tư không có năng lực xem lại mình. "Khung giá đất mới sẽ sàng lọc bớt nhà đầu tư năng lực yếu kém. Trước khi xin dự án đầu tư, nhà đầu tư cần phải cân nhắc tránh tình trạng dự án treo", ông Biền nói.

(VnExpress)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!