Việc đánh thuế quyền sử dụng đất quá cao đang khiến cho các hộ dân ở Phú Mỹ Hưng không đồng tình và họ liên tục khiếu kiện lên chủ đầu tư là Cty LD Phú Mỹ Hưng (PMH). Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là việc đánh thuế mà nó là hệ quả của một cơ chế không rõ ràng và những diễn biến bất thường của thị trường BĐS gây nên.
Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Một đại diện của PMH cho biết không chỉ riêng khách hàng mà ngay cả Cty này cũng chịu nhiều thiệt hại. Nếu khách hàng đóng phí sử dụng đất chỉ một hai căn hộ, đất nền thì Cty này phải đóng hàng trăm căn. Không những vậy, việc phải đóng phí quá cao sẽ khiến cho giá nhà, đất ở khu vực này tăng cao, không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc này đã khiến thương hiệu của Cty khổ công xây dựng lâu nay xem như đổ sông đổ biển. “Trong vụ này thì khách hàng và PMH đều đứng cùng một chiến tuyến”, vị này cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc Cty LD Phú Mỹ Hưng cho biết: “Nguyên nhân khiến vụ việc này xảy ra là giá đất do TP.HCM quy định mỗi năm mỗi tăng và tăng quá cao so với các khu vực kế cận khu đô thị PMH. UBND TP ban hành giá đất năm 2008 (áp dụng cho năm 2009) tại các con đường trong khu đô thị PMH cao trung bình hơn từ 50-100% so với đường khác ở Q.7 có cùng hạ tầng kỹ thuật. Điển hình như đường Huỳnh Tấn Phát có giá đất là 8 triệu đ/m2, thì đường Nguyễn Đức Cảnh, Bùi Bằng Đoàn (đường nội bộ) lại có giá 12 triệu đ/m2. Trong khi đó, mức giá chuyển nhượng nhà, đất thực tế ở khu đô thị PMH trong thời gian gần đây giảm từ 30-50% so với mức giá tại đỉnh điểm năm 2008. Nhưng bảng giá đất của TP.HCM ban hành vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng tại khu vực này”.
Một điều bất công khác, cũng theo ông Dũng, thời gian từ lúc người dân mua nhà, đất của PMH đến khi được đóng tiền sử dụng đất thường rất lâu, có khi kéo dài đến 2 năm. Vì vậy, hộ dân nhận quyền chuyển nhượng gặp nhiều rủi ro trong việc đóng tiền sử dụng đất và lệ phí khác tăng cao. Ngoài ra, nếu những DN Việt Nam đóng tiền sử dụng đất khi chưa làm hạ tầng nên giá rẻ, trong khi đó những khách hàng của PMH phải đóng tiền này khi đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. “Thực tế các hạng mục hạ tầng kỹ thuật này là do PMH tự bỏ vốn đầu tư chứ không từ nguồn ngân sách Nhà nước”.
Trong cuộc gặp mặt với các hộ dân ngày 10/10, Phó Tổng giám đốc Bùi Thanh Sơn cho biết, những khu mắc mà khách hàng cho rằng pháp lý của hợp đồng bán nhà chưa ổn, dân dẫn nhiều quy định về việc chủ đầu tư phải có nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất. Chúng tôi sẽ rà soát lại các điều khoản trên. Trong tuần này, PMH sẽ đề xuất UBND TP.HCM các kiến nghị không tăng giá đất khu vực đô thị PMH (Q.7) trong năm 2010; có chính sách giải quyết nhanh những bức xúc của người dân về tiền sử dụng đất quá cao trong năm 2009. Ngoài ra, PMH còn kiến nghị TP xem xét lại thủ tục cấp chủ quyền nhà. Đó là cho phép khách hàng ký hợp đồng mua nhà sẽ được nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm mua chứ không chờ công trình hoàn thành (2-3 năm sau) mới tính vì họ sẽ bị áp khung giá đất cao hơn rất nhiều lần.
Ông Sơn cho biết, hiện PMH có khoảng 4.000 - 5.000 trường hợp đã được cấp chủ quyền, tất cả các hộ này đã đóng xong tiền sử dụng đất. Số còn lại khoảng 5.000 hồ sơ đang chuẩn bị hoặc chờ cấp chủ quyền. Nếu TP không giải quyết kiến nghị của DN thì chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bán sản phẩm trong thời gian tới. Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, người có lợi nhất đó là giới đầu cơ đã mua đi bán lại sản phẩm nhà đất tại đây nhiều lần với số tiền chênh lệch lớn và "tháo chạy", trước khi bị đánh thuế. Chỉ có những người đến sau có nhu cầu sống trong khu đô thị kiểu mẫu này vừa bị mua với giá cao, lại phải chịu áp lực khoản tiền sử dụng đất trung bình từ 500 - 700 triệu đồng là chưa hợp lý. |
( theo Diễm Quỳnh // báo xây dựng )