Cơn "sốt nóng" hiện nay đang có nhiều khả tạo nên một mặt bằng giá mới trên thị trường bất động sản - Ảnh: Từ Nguyên. |
Thị trường bất động sản dường như đang dần tiến tới một mặt bằng giá mới chỉ sau một vài “cơn sốt” chóng vánh.
Đó cũng là lý do khiến cho nhiều người tiếc nuối khi đã bỏ qua cơ hội cả mua lẫn bán chỉ cách đây hơn một tháng. Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng, “sốt nóng” trên thị trường bất động sản hiện nay có điều gì đó tương tự với những gì xảy ra trên thị trường vàng vừa qua, do vậy, khả năng hình thành và giữ ổn định một mặt bằng giá mới là khó có thể xảy ra.
Nhà, đất đều tăng giá
Thị trường bất động sản tại Hà Nội đang chứng kiến những diễn biến khá trái ngược so với tháng trước. Khi đó, phần lớn khách hàng đều đổ xô tìm mua đất tại các huyện ngoại thành và “chê” nhà chung cư, xây sẵn.
Cũng chính vì thế, vào thời điểm đó, dù giá đất đã bắt đầu rục rịch tăng dần thì giá của phân khúc nhà chung cư, nhà đơn lẻ xây sẵn đều giữ nguyên, thậm chí có nhiều người rao bán tại các sàn đã phải liên tục điều chỉnh giảm giá nhưng vẫn không thể giao dịch được.
Tuy nhiên, mọi việc đã khác đi một cách nhanh chóng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Sau khi Tập đoàn Nam Cường “tung chiêu” bán quyền góp vốn, hàng loạt người đã đổ xô tìm đến các chung cư, nhà dự án đã vô tình đẩy mức giá của nhiều nhà chung cư, nhà đơn lẻ tăng lên một cách chóng mặt.
Hàng loạt dự án tại Hà Nội hiện nay đều có mức giá cao hơn nhiều so với hồi đầu tháng trước. Dự án chung cư cao cấp Đông Nam Trần Duy Hưng do Vinaconex làm chủ đầu có giá gốc là 24 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay bị đẩy lên với giá 32 - 38 triệu đồng/m2 (tùy theo vị trí), nhưng cũng không phải ai cũng mua được. Hoặc ngay như mức giá được giới đầu tư rao bán cho các căn hộ tại tòa nhà 34 T (Trung Hòa - Nhân Chính) hồi cuối tháng 10 là 30-32 triệu đồng/m2, nhưng nay cũng đều có giá trên 35 triệu đồng/m2.
Khảo sát của người viết cho thấy, không chỉ giá nhà chung cư và đất nền dự án tại các khu vực như An Khánh, Văn Khê, Mỗ Lao, Hà Đông… đều được chủ đầu tư hoặc các trung tâm môi giới đẩy lên từ 10 -20% so với hồi đầu tháng. Hiện phần lớn người dân có nhà, đất bán hoặc đang rất cần bán cũng bắt đầu điều chỉnh mức giá đã niêm yết tại các sàn hoặc rao bán trên đài, báo.
“Đầu tháng trước tôi rao bán một căn nhà 3 tầng mặt ngõ Văn Chương tại sàn ACB với giá 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi vàng tăng giá, tôi đã điều chỉnh lên 3,8 tỷ đồng và đã có người đặt tiền mua. Suýt nữa thì mất 300 triệu”, anh Hồ Hữu Lợi (quận Đống Đa) chia sẻ.
Nhìn nhận về cơn sốt giá trên, nhiều người cho rằng, sốt nhà đất là do ảnh hưởng của đợt “sốt” vàng vừa qua. Phần đa trong số đó cho rằng, vàng, USD đều trên đà tăng giá, tất yếu sớm muộn cũng sẽ đẩy giá nhà đất tăng theo. Do đó, một mặt bằng giá mới trên thị trường bất động sản trong thời gian không xa là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cơn “sốt nóng” hiện nay phần lớn được bắt nguốn từ tâm lý tích trữ vẫn nặng nề trong dân. Và một khi bất động sản vẫn được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn, có tính thanh khoản cao, nhất là khi lượng cung vẫn còn ít thì không ai dại gì để đồng vốn của mình nằm yên trong ngân hàng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ảnh hưởng của đợt “sốt” vàng vừa qua lên thị trường bất động sản là không nhiều. Thực chất, thị trường nhà đất đã “ngấm ngầm” có một cơn sốt từ cách đây 2 tháng, khi mà giá vàng thế giới lẫn trong nước vẫn ở trong xu hướng tăng.
Lý do được đưa ra cho cơn “sốt” nhà đất lần này vẫn chính là yếu tố tâm lý của người dân lẫn giới đầu tư. Tình trạng “tung chiêu” làm giá của một số chủ đầu tư cũng đã góp phần không nhỏ cho đợt “sốt nóng” trên thị trường bất động sản hiện nay.
Giá gốc cũng “choáng”
Việc tăng giá, đẩy giá của giới đầu tư trên thị trường vốn vẫn được nhiều người xem là hiện tượng bình thường không chỉ riêng thị trường địa ốc. Tuy nhiên, khi mà thị trường đang trong giai đoạn “tranh tối tranh sáng” như hiện nay, nhiều chủ đầu tư cũng không dại gì ngồi yên để nhìn giới đầu tư hưởng lợi.
Động thái đơn giản nhất mà các chủ đầu tư đưa ra để tận dụng sức nóng của thị trường là tăng giá chào bán của các dự án chưa hoặc đang làm móng. Hiện có rất nhiều dự án ở xa trung tâm như Usilk City của Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long hay Tricon Towers của Công ty Minh Việt (tại An Khánh), Dương Nội của Nam Cường… nhưng lại có giá cao hơn nhiều so với các dự án nội thành.
Giá chào khởi điểm tại dự án Usilk City thấp nhất cũng từ 1.800 - 2.000 USD/m2 , còn tại dự án Tricon Tower cũng từ 1.400 USD đến hơn 2.200 USD/m2, hay như khu Dương Nội cách trung tâm hàng chục km cũng có giá lên tới 1.200 USD/m2.
Trong khi đó, có rất nhiều dự án gần trung tâm hơn nhưng lại có mức giá ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn mức giá của các dự án trên. Giá chào bán của dự án khu đô thị mới tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai) cũng chỉ từ 1.000 - 1.200 USD/m2, hay một số khu dự án sắp hoàn thành tại Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng…cũng chỉ có giá khởi điểm khoảng 30 - 35 triệu đồng/m2.
Lý giải cho mức giá khá cao, ông Eward Chi, Tổng giám đốc Công ty Minh Việt (chủ đầu tư dự án 44 tầng Tricon Tower) cho biết, sở dĩ mức giá chào của công ty cao là do căn hộ đã được hoàn thiện, trang bị đầy đủ nội thất. Còn các dự án nội thành có thể thấp hơn nhưng đó chỉ là mức giá cho phần thô.
Hơn nữa, theo ông Chi, hiện tại có thể tâm lý ở nội thành đang thắng thế. Tuy nhiên, với khả năng quá tải của cơ sở hạ tầng, đường sá… thì chỉ trong một thời gian ngắn, các dự án ngoại thành với hạ tầng đồng bộ sẽ là sự lựa chọn số 1 của người dân.
Còn theo ông Trần Minh Quý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), việc “sốt nóng” của thị trường bất động vừa qua cũng là dấu hiệu tốt đối với các nhà đầu tư. Theo ông, trong thời gian qua, do lượng hàng đưa ra ít, trong khi nhu cầu mua khá lớn nên việc sốt nóng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, bước sang năm 2010, sẽ có nhiều dự án đến thời hạn bàn giao nhà nên ít có khả năng biến động lớn về giá và người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.
(Theo Bảo Anh // Vneconomy)